Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Tài chính là thành viên mới nhất trong Hội đồng Thẩm định Nhà nước hoàn tất việc cho ý kiến thẩm định liên quan đến Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre F/S) Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến metro số 5, giai đoạn I.
Được biết, tuyến metro số 5 là một trong 8 tuyến của mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 26 km, bắt đầu từ bến xe Cần Giuộc mới, kết thúc ở điểm cầu Sài Gòn. Trong giai đoạn I, tuyến sẽ có chiều dài 8,9 km đoạn ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn.
Việc tham gia tài trợ Dự án tuyến metro số 5 TP.HCM phụ thuộc phần lớn vào tiến độ triển khai các dự án metro khác. Trong ảnh: Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Đây cũng là tuyến metro có tổng mức đầu tư lớn (1,562,7 tỷ euro, tương đương 41.607 tỷ đồng) và có thời gian triển khai kéo dài nhất tại Việt Nam (chuẩn bị từ năm 2009 - 2019; thực hiện từ năm 2020 - 2025; bảo hành, chạy thử từ năm 2025 - 2027).
Tổng mức đầu tư Dự án lớn, được huy động từ nhiều nguồn là mối quan ngại đầu tiên được Bộ Tài chính đặt ra cho chủ đầu tư công trình là UBND TP.HCM. Cụ thể, theo hồ sơ thuyết minh Dự án, phần vốn vay cam kết và điều kiện vay của các nhà tài trợ theo hồ sơ thuyết minh dự án mới dừng ở việc trao đổi sơ bộ giữa UBND TP.HCM và các nhà tài trợ từ năm 2013 đến 2014.
Tuy nhiên, đến nay, ngoài Chính phủ Tây Ban Nha đã có cam kết chính thức (thông qua Chương trình hợp tác tài chính đã được ký ngày 24/5/2017), các nhà tài trợ khác (Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB; Ngân hàng Đầu tư châu Âu - EIB, Ngân hàng Tái thiết Đức - KfW) chưa có thư cam kết chính thức về trị giá tài trợ và các điều kiện tài chính cụ thể áp dụng cho Dự án.
Điều đáng nói là, việc tham gia tài trợ Dự án phụ thuộc phần lớn vào tiến độ triển khai của các dự án metro khác và các điều kiện cho vay chính thức sẽ chỉ được xác định khi nhà tài trợ hoàn thành đầy đủ quy trình thẩm định Dự án.
“Như vậy, phương án huy động nguồn vốn nước ngoài thực hiện Dự án vẫn cần được khẳng định bằng các cam kết cụ thể của nhà tài trợ để đảm bảo tính khả thi”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nêu quan điểm.
Bộ Tài chính cho rằng, tuyến metro số 5 là dự án đầu tư quy mô lớn, sử dụng nguồn vốn vay ODA đa phương từ nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài, sẽ bao gồm nhiều hợp phần và tiểu dự án nhỏ, dẫn đến việc quản lý và phân bổ vốn phức tạp. Vì vậy, Bộ đề nghị nghiên cứu, bổ sung cơ cấu chi tiết các hạng mục, hợp phần dự án dự kiến phân bổ nguồn vốn và nguồn vốn từ các nhà tài trợ, cũng như nguồn vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam theo từng giai đoạn tiến độ dự án.
Theo Sài Gòn đầu tư Tài chính, ông Hoàng Như Cương - Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, hiện giai đoạn 2 đang lập dự án tiền khả thi. Về nguồn vốn đầu tư, trước đây Chính phủ Hàn Quốc thông qua Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) có ý định tài trợ tuyến metro 5 giai đoạn 2 với vốn 500 triệu USD (nằm trong chương trình hợp tác tài chính giữa Hàn Quốc và Việt Nam).
Hiện nay đang lập dự án tiền khả thi cho giai đoạn 2, dự kiến sẽ trình UBND TPHCM trong năm 2017 và UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thẩm định và trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công. Hiện tại qua nghiên cứu tuyến metro số 5 giai đoạn 2, số vốn tạm thời xác định trên 2,1 tỷ USD, Hàn Quốc cam kết tài trợ 500 triệu USD, số còn lại chưa có nguồn. Để xây dựng được tuyến metro số 5 giai đoạn 2, chắc chắn phải vay vốn hoặc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Song song đó, kêu gọi phía Hàn Quốc tăng phần vốn tài trợ.
Tuyến metro số 5 có vị trí hết sức quan trọng trong việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP, mang tính liên kết với các vùng. Tuyến metro số 5 là tuyến vòng nối kết các tuyến metro của TPHCM và từ đây có thể đi ra các vùng lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tuyến metro số 5 có vị trí cực kỳ quan trọng kết nối với các tuyến metro khác, các tuyến đường bộ Nguyễn Văn Linh và cao tốc Bến Lức - Long Thành. Giai đoạn 1, đã hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi trình UBND TP xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thẩm định và trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư.
Xuân Tùng (t/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy