Dòng sự kiện:
Dự án Vành đai 3: Cần tách riêng giải phóng mặt bằng và mạnh dạn chỉ định thầu
13/06/2022 09:47:16
Cần mạnh dạn thử nghiệm chỉ định thầu với các dự án như Vành đai 3 TP.HCM nhưng với những điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, có kiểm tra, giám sát… đảm bảo tránh lãng phí, đảm bảo tiến độ thời gian.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình trước Quốc hội sáng 6/6. Các đại biểu cũng đã thảo luận tại tổ về dự án này và sẽ biểu quyết vào ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, được kỳ vọng là sẽ giúp TP.HCM cũng như Vùng Đông Nam bộ cất cánh, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

Để dự án được như kỳ vọng, khâu khó nhất là giải phóng mặt bằng (GPMB) đã được TP.HCM và các địa phương có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như đề xuất các giải pháp thực hiện ngay từ lúc này.

Bình đồ Vành đai 3 (Ảnh: Ban Giao thông)

Đồng bộ công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, trong 4 khó khăn thách thức của Dự án Vành đai 3 TP.HCM như nguồn vốn, công tác quản lý điều hành một dự án liên vùng, vật liệu xây dựng… thì khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) là lớn nhất.

Đây cũng là khâu tốn kém nhất với gần 41.600 tỷ đồng trong tổng kinh phí giai đoạn 1 Vành đai 3 là 75.300 tỷ đồng (chiếm hơn 55%). TP.HCM cũng là nơi dự báo sẽ gặp khó khăn nhất với hơn 740 hộ trong tổng số gần 1.500 hộ phải bố trí tái định cư toàn dự án.

Lường trước điều này, ông Lương Minh Phúc cho biết, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành trước một số công việc: "TP.HCM cũng như 3 địa phương đã tiến hành thống kê, khảo sát chuẩn bị các khu vực tái định cư tại chỗ cho bà con, cũng như hình thành bộ máy nhân lực để chuẩn bị sẵn sàng và khi Nghị quyết Quốc hội cùng với những cơ chế đặc thù được thông qua thì chúng ta sẽ triển khai trước một số bước trong công tác GPMB trước thì dự án khả thi được phê duyệt để tranh thủ thời gian ngay từ đây đến hết năm 2023".

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cũng cho biết, TP.HCM với vai trò là nhạc trưởng cũng sẽ điều hành tổng thể trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trong đó có vấn đề cơ chế, chính sách, các yếu tố kỹ thuật bảo đảm tính kết nối, đồng bộ thống nhất hệ thống tiêu chuẩn… Riêng công tác bồi thường GPMB, ngành giao thông TP.HCM xác định phải tiến hành đồng bộ. Hiện TP và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã chuẩn bị để sau khi Quốc hội thông qua sẽ bước vào triển khai ngay.

Theo ông Lâm: "TP.HCM và các tỉnh đã thống nhất chủ trương tách bồi thường, GPMB thành các dự án riêng để thể hiện quyết tâm triển khai bằng được. Theo tiến độ, giải phóng mặt bằng dự kiến cuối năm nay sẽ bắt đầu và cuối năm sau sẽ khởi công".

Trong buổi làm việc mới đây tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định, Vành đai 3 TP.HCM là dự án trọng điểm quốc gia và cơ chế chỉ định thầu là phù hợp, áp dụng các kinh nghiệm trong thực hiện dự áo cao tốc phía Đông. Ngoài các nội dung đã chuẩn bị trong báo cáo tiền khả thi, cần làm rõ tầm quan trọng của đường song hành. Trong giải phóng mặt bằng, ngoài các vấn đề như chuẩn bị vật liệu, ông Lê Đình Thọ cũng đề nghị cần phải tính toán đến vấn đề bãi đổ thải.

"Một vấn đề ảnh hưởng rất lớn ngoài GPMB, vật liệu là bãi đổ thải. Đối với thành phố thì bãi đổ thải là cực kỳ gian nan, không hề đơn giản vì nếu chúng ta đổ đi đâu thì quy trình giải phóng mặt bằng đó cũng đúng như thế" - ông Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, quy hoạch đường Vành đai 3 TP.HCM từ năm 2011, cách đây 11 năm và nếu như triển khai ngay khi có quy hoạch thì số tiền giải phóng mặt bằng sẽ chỉ bằng 1/10 hiện nay. Rút kinh nghiệm, TP.HCM sẽ làm thật tốt công tác GPMB, làm luôn một lần bây giờ dù trước mắt Vành đai 3 mới có 4 làn xe để tránh gặp khó khăn sau này cũng như giúp giảm chi phí đền bù.

Theo ông Phan Văn Mãi, với kinh nghiệm cũng như có được nguồn quỹ nhà ở có sẵn, TP.HCM chắc chắn sẽ làm tốt khâu GPMB để tháo gỡ nút nghẽn này. "Ở đây có vấn đề là làm sao GPMB phải đồng bộ về thời gian, tiến độ về cơ chế, chính sách để có mặt bằng để thi công. Thì việc này trong quá trình chuẩn bị chúng tôi được sự góp ý của Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên - Môi trường và các địa phương cũng thống nhất với nhau rất nhiều trên tinh thần là đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân".

Mạnh dạn chỉ định thầu trong GPMB, trao sự linh hoạt cho địa phương

Nhiều chuyên gia khẳng định, qua thực tiễn, trong những khó khăn, vướng mắc về đầu tư công thì giải phóng mặt bằng luôn ở vị trí số một. Đây là công việc rất phức tạp, có nhiều khó khăn vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư công dẫn tới là chậm tiến độ, giải ngân thấp…

Theo các chuyên gia đường Vành đai 3 sẽ giúp vùng Đông Nam bộ cất cánh (Ảnh: L.G)

Do đó, theo các chuyên gia, ngoài việc áp dụng cơ chế đặc thù, tách GPMB ra là dự án độc lập thì cần thêm chỉ định thầu ở một số nội dung, như di dời hạ tầng kỹ thuật điện, nước, viễn thông tại khu vực cần phải giải phóng. Thứ hai là phải xây dựng các khu tái định cư trong thời gian sớm nhất để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần mạnh dạn thử nghiệm chỉ định thầu với các dự án như Vành đai 3 TP.HCM nhưng với những điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, có kiểm tra, giám sát… đảm bảo tránh lãng phí, đảm bảo tiến độ thời gian.

Ông Trần Đình Thiên cũng đánh giá cao ý tưởng là địa phương kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho công tác GPMB và xây dựng theo tiến độ triển khai dự án, trong đó ưu tiên hoàn thành công tác GPMB trong giai đoạn 2021-2025. Bởi, GPMB nhiều khi bị chốt chặt bởi nguyên tắc giá cả, ví dụ chỉ cần một vài hộ gia đình không đồng ý là toàn bộ dự án bị hỏng hết. Lúc đó cần có phương án xử lý linh hoạt hơn bởi có thể những trường hợp đòi hỏi có lý của họ, hoặc là có những yêu cầu riêng. Do đó, việc giao cho địa phương quyền tiếp cận để chọn phương án xử lý linh hoạt vấn đề này là tốt nhất... Bởi hiện nay, Trung ương không thể nào xử lý hết mọi việc.

PGS - TS Trần Đình Thiên

PGS – TS Trần Đình Thiên cho biết: "Cũng có yêu cầu rất chặt chẽ, linh hoạt điều chuyển trong phạm vi để làm sao tổng mức không quá mức cần thiết. Tức là không được lạm dụng quyền linh hoạt để hưởng lợi. Cái này cũng là một yếu tố chặt chẽ. Tôi thấy cách tiếp cận này giống như một sáng kiến, trao cho địa phương quyền chủ động để chúng ta giải quyết cho phù hợp. Tất nhiên, địa phương muốn làm tốt thì phải có giải pháp để giám sát việc này".

Giai đoạn 1 Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài 76km, trong đó đoạn đi thấp có tổng chiều dài 53km, đoạn trên cao 13km. Dự kiến sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ khởi công năm 2023, thông xe năm 2025 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2026. Hy vọng với những đột phá trong GPMB, dự án đường Vành đai 3 sẽ tránh được “vết xe đổ” về GPMB trong các dự án lớn trước đó để về đích đúng hạn./.

Tác giả: Hà Khánh

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến