Dòng sự kiện:
Dự kiến bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với giáo viên từ tháng 2/2021
03/12/2020 05:57:37
Tại họp báo Chính phủ chiều tối 2/12, báo chí đặt câu hỏi với Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ về việc xóa bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nằm trong quá trình rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ. Cụ thể, nội dung này liên quan đến thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông.

“Sau khi chúng tôi nghiên cứu, trên căn cứ trong chương trình đào tạo của giáo viên đã tuân theo quy chuẩn quốc gia, có yêu cầu về tin học, ngoại ngữ. Với giáo viên đang giảng dạy, chúng tôi sẽ đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ, chúng tôi sẽ tiến hành sửa đổi thông tư này”, Thứ trưởng GD-ĐT nói.

Ông Sơn thông tin thêm, thông tư này đã được thẩm định và theo kế hoạch sẽ được ban hành trong tháng 12 này. Thông tư sẽ có hiệu lực sau 45 ngày, vào tháng 2/2021.

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Nguyễn Duy Thăng cũng cho hay, Nghị định 115 (quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức) và Nghị định 138 (quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức) đã quy định cụ thể việc miễn thi ngoại ngữ, tin học với những trường hợp nào. Các nghị định trước đây không quy định cụ thể việc này.

Theo đó, Nghị định 115 và 138 đã quy định rất cụ thể, chi tiết khi tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch các chức danh cần những chứng chỉ, bằng cấp gì.

“Còn việc bỏ hay không bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời một số lần tại diễn đàn Quốc hội”, ông Thăng nói.

Thứ trưởng Nội vụ cho biết, tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá XII về việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, mục tiêu cụ thể đến 2025-2030 có quy định tỷ lệ phần trăm đối với từng loại cán bộ phải làm việc được trong môi trường quốc tế.

“Với vị trí việc làm nào cần phải có ngoại ngữ, tin học trong điều kiện 4.0 này sẽ được quy định rất cụ thể trong vị trí việc làm từng công việc cụ thể”, ông Thăng nhấn mạnh.

Liên quan đến vị trí việc làm thì Chính phủ đã ban hành Nghị định 62 về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định 106 quy định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Hai nghị định này đã quy định cơ cấu, kết cấu của vị trí việc làm, trong đó có việc mô tả công việc ra sao, xác định khung năng lực thế nào, trong đó có quy định về ngoại ngữ, tin học… cho phù hợp với từng vị trí việc làm.

“Trên tinh thần các Nghị định của Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ cùng các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, bộ quản lý ngạch công chức chuyên ngành sẽ rà soát về mã số, tiêu chuẩn chức danh để điều chỉnh cho phù hợp”, Thứ trưởng Nội vụ nói.

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay, khi Luật Viên chức sửa đổi ban hành, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã tham mưu xây dựng các Thông tư mới quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

“Điểm nhấn đáng chú ý của các Thông tư này, chính là tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ 2; không quy định giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ đạo những nội dung về ngoại ngữ, tin học tới đây sẽ được tính toán để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên một cách phù hợp; để khi ra trường, giáo viên có đủ năng lực ngoại ngữ, tin học phục vụ công việc”.

Tác giả: Thu Hằng - Trần Thường

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến