Bộ Giao thông vận tải sẽ phấn đấu hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đướng sắt TP.HCM - Cần Thơ trong năm 2025 - Ảnh minh họa.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có Công văn số 10316/BGTVT-KHĐT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Dương gửi tới sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về việc triển khai Dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo quy hoạch, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có điểm đầu tại ga An Bình (phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ).
Dự án này có chiều dài khoảng 174km đi qua 6 tỉnh/thành phố (gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ) với 13 ga toàn tuyến. Đường sắt áp dụng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm. Tàu khách có tốc độ tối đa là 200 km/h, tàu hàng 120 km/h. Công nghệ được lựa chọn cho tuyến đường sắt này là đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, lộ trình nghiên cứu, đầu tư Dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sẽ được thực hiện trước năm 2030.
Tuyến đường sắt này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của vùng ra thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị và quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt là chủ đầu tư, bố trí vốn để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hiện đang tập trung phối hợp với các địa phương rà soát vị trí ga, hướng tuyến.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá đây là dự án có quy mô lớn (sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD), công nghệ - kỹ thuật phức tạp nên cần phải nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng, đánh giá một cách khách quan, khoa học; đặc biệt là cân đối bố trí nguồn lực.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ phấn đấu hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền trong năm 2025 nhằm làm cơ sở huy động nguồn lực triển khai.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt, tư vấn rà soát, làm rõ số liệu dự báo nhu cầu vận tải bảo đảm tính khoa học, thống nhất với số liệu trên hành lang vận tải TP.HCM - Cần Thơ; tính toán phân bổ với các phương thức vận tải khác để xác định sự cần thiết, thời điểm, quy mô đầu tư, phương án phân kỳ, phương án khai thác và đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của dự án.
Đồng thời, Ban quản lý dự án đường sắt, tư vấn phân tích ưu, nhược điểm cho việc lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, tốc độ thiết kế và cần đồng bộ với việc đầu tư, khai thác đảm bảo kết nối thuận tiện; rà soát các chi phí trong tổng mức đầu tư, phương án tài chính dự án; cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện dự án.
Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản 5676/VPCP-CN ngày 26/7/2023 về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 05/8/2023, hoàn thành việc đề xuất thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Đề án).
Cùng với đó là các dự án đường sắt tốc độ cao khác kết nối liên vùng và quốc tế trong hệ thống đường sắt quốc gia (Ban chỉ đạo) theo đúng quy định.
Tác giả: Thi Nguyễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy