Dòng sự kiện:
Dự kiến thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự từ 1/1/2026
19/05/2025 17:00:13
Chiều 19/5, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành với phạm vi thực hiện thí điểm nghị quyết tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với phạm vi như sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026 và thời gian thực hiện thí điểm trong 03 năm là phù hợp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, còn một số nội dung của dự thảo nghị quyết chưa rõ, thiếu cụ thể hoặc còn có ý kiến khác nhau cần được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, bổ sung và làm rõ thêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Media Quốc hội)

Trong đó, Quy định về phạm vi điều chỉnh đối với nhóm dễ bị tổn thương tại điểm e khoản 2 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết là “Người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật” còn quá rộng, chưa bảo đảm sự thống nhất trong chính sách hỗ trợ pháp lý cho cùng đối tượng được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý; quy định về lợi ích công gồm “tài sản công, đầu tư công” tại điểm a và “đất đai”, “tài nguyên khác” tại điểm b khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết còn chung chung, chưa thật rõ lợi ích công trực tiếp cần được bảo vệ trong vụ án dân sự công ích, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất. 

Về các trường hợp VKSND khởi kiện, việc thí điểm giao VKSND khởi kiện vụ án dân sự công ích nhằm tạo cơ chế bảo vệ có hiệu quả lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “dân sự hóa” quan hệ hình sự, hành chính, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung nguyên tắc; tiếp tục rà soát, phân loại hành vi trước khi khởi kiện; đồng thời làm rõ thêm căn cứ, điều kiện và phạm vi khởi kiện của VKSND để tránh lạm quyền hoặc can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác.

Cũng theo Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, để tránh tình trạng “dân sự hóa” quan hệ hình sự, hành chính như đã nêu trên và để giải quyết đúng đắn vụ án, vụ việc, bảo vệ tốt nhất lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm dễ bị tổn thương, cần quy định để VKSND làm rõ hành vi vi phạm qua hoạt động kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục để VKSND tiếp nhận thông tin về vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền dân sự của nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công nhẳm bảo đảm tính khả thi của Nghị quyết.

"Về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND và các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, để phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của việc thí điểm, chỉ nên giao thẩm quyền cho VKSND khởi kiện vụ án dân sự công ích (nguyên đơn đặc thù) và quá trình tố tụng cần tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc quy định một số thẩm quyền phù hợp cho VKSND khi kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quá trình tố tụng", ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Về nguyên tắc tiến hành hòa giải, ông Tùng cho rằng, ttheo quy định của BLTTDS và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì không tiến hành hòa giải đối với vụ án liên quan đến lợi ích của Nhà nước. Trong khi, Điều 16 của dự thảo Nghị quyết quy định không được hòa giải đối với cả vụ án dân sự liên quan đến lợi ích công cộng (không phải là lợi ích của Nhà nước) là chưa bảo đảm tính thống nhất.

Do đó, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để bảo đảm thống nhất với các luật nêu trên...

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công gồm 4 Chương và 19 Điều.

Trong đó, quy định Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự công ích trong trường hợp không có người khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công và bảo đảm quyền khởi kiện của Viện kiểm sát nhân dân.

Dự kiến, thực hiện thí điểm nghị quyết tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với phạm vi như sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026 và thời gian thực hiện thí điểm trong 03 năm là phù hợp.

Tác giả: Lê Hoàng

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến