Dòng sự kiện:
Dư nợ bất động sản lại… tăng
31/05/2020 09:16:50
Tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) trong quý I/2020 tăng 1,23% so với cuối năm 2019, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội mới đây, đến thời điểm hiện tại tổng dư nợ tín dụng với toàn nền kinh tế là 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương tín dụng đối với riêng lĩnh vực BĐS vào khoảng 1,6 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng BĐS.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng dự nợ tín dụng cho vay BĐS từ đầu năm tăng so với cuối năm 2019.

Từ đầu năm 2019, theo cách tính mới được Chính phủ sử dụng đó là dư nợ tín dụng với BĐS được cơ quan quản lý chia làm các nhóm chính, là: Cho vay kinh doanh BĐS và cho vay phục vụ nhu cầu mua, sửa nhà ở của cá nhân. Vì vậy, so với thời điểm cuối năm 2019, tổng dự nợ đã tăng thêm khoảng 1,23%.

Để đảm bảo an toàn cho các khoản vay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 22/2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay phục vụ kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%. Đồng thời, áp dụng hệ số rủi ro từ 50 - 150% đối với các khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu mua nhà.

Theo chuyên gia kinh tế, tài chính TS Cấn Văn Lực, hiện nay, tổng dư nợ BĐS trên thị trường dưới 20% là con số chấp nhận được đối với tốc độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

“Thực tế, mức dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS ở các nước Đông Nam Á cao hơn Việt Nam rất nhiều, mức dư nợ của Việt Nam là chấp nhận được. Nhưng chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới tín dụng của các doanh nghiệp BĐS sẽ tăng trưởng cao” - ông Lực cho hay.

Liên quan đến một số cơ chế chính sách để thị trường BĐS có thể phục hồi, tăng trưởng trở lại sau dịch Covid-19, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp BĐS được cơ cấu lại nợ đến hạn, được xem xét lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), được giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.

“Kiến nghị các ngân hàng hỗ trợ người vay mua nhà được giảm khoảng 30 - 50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), được giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc để vượt qua khó khăn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế “tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới trẻ, với lãi suất hợp lý theo phương thức tín chấp, hoặc thế chấp bằng chính căn nhà đó” - Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho hay.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến