Dòng sự kiện:
Dự trữ ngoại hối lớn, Ngân hàng Nhà nước dễ dàng bình ổn thị trường
11/08/2018 11:02:50
Đó là nhận định của Giáo sư Đại học Indiana (Mỹ) Andreas Hauskrecht. Ông nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Thanh Niên xung quanh vấn đề tỷ giá.

Theo ông Andreas Hauskrecht - thành viên nhóm Sáng kiến Việt Nam, nguyên phụ trách văn phòng GIZ tại Hà Nội - tỷ giá hiện nay có lợi cho sức cạnh tranh cho xuất khẩu của Việt Nam.

Từ việc phân tích chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và tác động tới chính sách tiền tệ các quốc gia, Giáo sư Andreas Hauskrecht cho biết: Mỹ sẽ tăng lãi suất trung hạn, dài hạn, ngắn hạn. Cùng với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay, USD sẽ tiếp tục tăng giá, nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá, điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tỷ giá hiện nay có lợi cho sức cạnh tranh cho xuất khẩu của Việt Nam

* Tỷ giá USD/VND tăng liên tục và có phiên đụng trần, thế nhưng như ông vừa nói, tỷ giá sẽ còn tiếp tục tăng từ ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ông đánh giá thế nào về tác động của tỷ giá lên các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam?

Tôi cho rằng tỷ giá không phải vấn đề lớn đối với Việt Nam dù đồng Việt Nam giảm giá nhẹ so với USD trong thời gian gần đây. Điều này cũng chỉ có tác động rất nhỏ đến lạm phát trong nước. Việt Nam không phải đối mặt với vấn đề lạm phát, tỷ giá cũng như thị trường vốn. Cán cân vãng lai của Việt Nam đang thặng dư, tức là luồng vốn bằng USD đang tiếp tục đổ vào Việt Nam. Chúng ta nhìn vào dòng vốn đầu tư vào Việt Nam thì thấy chủ yếu là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2017, luồng vốn FDI và các nguồn vốn khác vào Việt Nam rất lớn, tức là nguồn cung bằng USD vào Việt Nam rất lớn. Trong khi, dù phải đối mặt với các biến động quốc tế, dòng vốn gián tiếp (FII) rút khỏi Việt Nam không đáng kể. Từ nay đến cuối năm 2018 không có dấu hiệu nào cho thấy dòng vốn rút khỏi Việt Nam khi thị trường vẫn còn đang hấp dẫn. Điều này có thể thấy rõ qua việc lãi suất tại Mỹ tăng lên nhưng Samsung không hề thay đổi chiến lược đầu tư ở Việt Nam. Việt Nam vẫn là quốc gia hấp dẫn FDI so với các nước khác trên thế giới và xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục. Nhờ nguồn vốn bằng USD vào Việt Nam tăng, Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng ngoại tệ lớn, đồng thời có động thái để ngăn chặn đồng Việt Nam phá giá.

* Ngân hàng Nhà nước đủ nguồn lực để sẵn sàng can thiệp thị trường, nhưng đặt trường hợp, nếu Ngân hàng Nhà nước không can thiệp vào thị trường ngoại hối theo ông điều gì sẽ xảy ra?

- Nếu ngân hàng trung ương không hành động gì thì đồng Việt Nam sẽ tăng giá, tức là nếu không có hành động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước thì tỷ giá bây giờ sẽ là khoảng 20.000 đồng, thậm chí còn là 19.000 đồng/USD. Nhưng, như tôi đã nói, Ngân hàng Nhà nước không muốn để tiền đồng tăng giá mạnh, vì VND tăng giá sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức cạnh tranh của xuất khẩu vào Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng cách mua lại tiền USD và thuật ngữ chuyên ngành đó là "can thiệp trên thị trường ngoại hối". Ngân hàng Nhà nước sẽ liên tục mua vào đồng đô la từ nguồn vốn FDI và các luồng vốn khác vào Việt Nam để ngăn chặn sự tăng giá của tiền đồng.

Chỉ trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào hơn 12 tỉ USD, nhờ đó dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục. Với nguồn lực này, Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức có thể dễ dàng bán thậm chí 2 tỉ USD để can thiệp thị trường mà không gặp vấn đề gì. Tôi cho rằng, nếu như Ngân hàng Nhà nước không can thiệp, cuối năm nay, tỷ giá vào khoảng trên dưới 21.000 đồng, nhưng không ai muốn điều đó xảy ra. Và vì vậy, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục mua USD.

* Việt Nam đang duy trì lãi suất tiền gửi USD bằng 0, ông đánh giá thế nào về mức lãi suất này?

- Tôi cho rằng lãi suất tiền gửi USD bằng 0 giúp chống đô la hóa thành công. Năm 1998, tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế của Việt Nam là 47%, khi đó tôi đi taxi cũng có thể trả bằng đô la, các mức giá trong khách sạn cũng đều được niêm yết bằng tiền USD. Nhưng bây giờ nhìn vào ví của tôi thì chỉ thấy VNĐ, không có đồng USD nào cả. Đó là minh chứng cho thành công của cuộc chiến chống đô la hóa. Chiến lược này đã được Ngân hàng Nhà nước hoạch định và thực thi khá bài bản. Cuộc chiến này nhận được sự ủng hộ rất mạnh từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Hiện tại tỷ lệ đô la hóa này chỉ là dưới 8%. Đây là một thành công rất lớn và tỷ lệ này cần được tiếp tục giảm thêm nữa.

* Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, duy trì lãi suất bằng 0 có thể ảnh hưởng đến kiều hối, thưa ông?

- Cá nhân tôi ủng hộ chính sách không áp lãi suất lên tiền gửi bằng USD của Ngân hàng Nhà nước. Trả lãi suất cho tiền gửi bằng USD sẽ là một sai lầm lớn, nó sẽ khiến cho việc gửi tiền tiết kiệm bằng USD trở nên hấp dẫn, sẽ suy giảm chức năng lưu trữ tiền gửi VND và cũng tác động đến tỷ giá.

Thử tưởng tượng, nếu bạn đến Mỹ, muốn gửi tiền tiết kiệm thì có thể gửi đồng tiền nào ngoài USD không? Tất nhiên là không. Hay đến châu Âu, chúng ta có thể gửi tiền tiết kiệm bằng USD không? Tất nhiên là không. Nếu chúng ta đến Nhật, Hàn Quốc hay các quốc gia khác trên thế giới, chúng ta muốn gửi tiền tiết kiệm bằng USD hay euro chẳng hạn, câu trả lời cũng là không. Vì vậy, không có lý gì Việt Nam lại chấp nhận tiền gửi tiết kiệm bằng USD nên lãi suất phải bằng 0. Bởi không có tiền gửi tiết kiệm bằng USD thì không có tiền cho vay bằng USD. Nếu Việt Nam làm được điều đó, Việt Nam sẽ trở thành một biểu tượng, một quốc gia thành công về chống đô la hóa nền kinh tế.

Theo thanhnien.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến