Dòng sự kiện:
Đưa kinh tế chưa được quan sát vào tầm soát
20/02/2019 12:00:39
Kinh tế phi chính thức vốn đã tồn tại trong đời sống từ nhiều năm, nay lại có thêm nhiều hình thức mới từ kinh tế số, chưa kể nhiều hoạt động kinh tế chưa được quan sát hoặc bỏ sót đặt ra thách thức không nhỏ.

Quan trọng hơn, việc không thể quan sát các hình thức kinh tế này cũng dẫn đến các chính sách kích hoạt nền kinh tế kém hiệu lực.

Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra biển số xe giả của taxi dù

Những khoảng trống kiểm soát kinh tế

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích, nền kinh tế số kết nối sâu rộng qua công nghệ thông tin  đã tạo cơ hội để người dân bình thường có thể tiếp cận công việc, buôn bán xuyên biên giới chưa hề có trước đây. Ví dụ như người lao động có thể ký hợp đồng lao động tạm thời, thực hiện những công việc ngắn hạn như tư vấn, dịch thuật, lái xe cho Uber hay Grab; buôn bán chứng khoán ở Mỹ và thị trường chứng khoán toàn cầu, làm việc cho các công ty tư vấn hay phần mềm ở Pháp hay Nhật. Hay theo thông tin của ngành du lịch, hiện đã có hơn 16.000 phòng cho thuê theo ứng dụng của Airbnb, bằng tổng số phòng của hệ thống khách sạn từ 2-4 sao của TP. Hồ Chí Minh …

“Rõ ràng bộ máy quản lý nhà nước của chúng ta đã chậm so với sự phát triển của công nghệ và sự năng động của nền kinh tế hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới. Đó chính là kẽ hở để một số loại hình của nền kinh tế số có thể trở thành một bộ phận mới của mảng kinh tế phi chính thức vốn đã chiếm tỷ lệ cao về lao động và GDP của nền kinh tế truyền thống, đã dẫn đến bất công trong xã hội, làm tăng thêm chênh lệch giàu – nghèo”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ.

Khẳng định hầu hết các hoạt động kinh tế phi chính thức trong các ngành, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ hầu như đã được quan sát, song Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thống kê Nguyễn Văn Đoàn cũng chỉ ra khu vực kinh tế chưa quan sát được (NOE).

“Thực tế có không ít các nhà phân tích kinh tế thường nhầm lẫn khu vực kinh tế phi chính thức với khu vực NOE. NOE chỉ bao gồm một phần khu vực kinh tế phi chính thức chưa quan sát được, chứ không phải toàn bộ khu vực kinh tế phi chính thức”, ông Đoàn nói và phân tích: Khu vực NOE là tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh không thể thu thập được trong các nguồn dữ liệu cơ bản để biên soạn tài khoản quốc gia, bao gồm hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế bất hợp pháp, hoạt động kinh tế phi chính thức, hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu và các hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.

Những phân tích của TS. Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê càng rõ thêm về các hoạt động kinh tế chưa được quan sát trong 5 nhóm này. Như trong nông, lâm nghiệp và thủy sản, hoạt động kinh tế ngầm chưa được quan sát do đối tượng điều tra không cung cấp thông tin về diện tích, sản lượng nuôi trồng, giấu giếm sản lượng nhưng chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Hoạt động bất hợp pháp chưa quan sát được như trồng cây thuốc phiện, nuôi, bẫy, săn bắt các loại động vật quý hiếm bị cấm… Hay trong kinh tế phi chính thức là các hoạt động sản xuất tiêu dùng, kinh doanh nhỏ lẻ của các hộ gia đình, dịch vụ giúp việc gia đình; dịch vụ chữa bệnh tại nhà…

Quản để điều hành không méo mó

Kinh tế phi chính thức ở Việt Nam không tới 30% GDP. Song một kết quả nghiên cứu dù đã lâu nhưng vẫn có ý nghĩa khoa học và thực tiễn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy số lượng hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) phi chính thức đang tăng lên và đóng góp vào giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm ở cả hai thành phố cao hơn các hộ SXKD chính thức.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, đại học Fullbribht cho biết, kết quả của việc sử dụng mô hình MIMIC nhằm ước tính quy mô nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam giai đoạn 1995 - 2015 cho thấy số thuế tiềm năng bị thất thoát bình quân khoảng 4,2% GDP, trong đó năm 2015 là khoảng hơn 5% GDP, tức tương đương 9,8 tỷ USD.

Các nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động trong nền kinh tế phi chính thức thường khó theo dõi và không được thống kê, quản lý một cách đầy đủ bởi các cơ quan nhà nước, nên thị trường này thường phát đi những tín hiệu sai. Tiếng nói của người lao động và DN trong khu vực phi chính thức ít khi được nhắc đến trong quá trình hoạch định chính sách khiến cho các quyết định chính sách phần nào trở nên kém hiệu quả.

Chẳng hạn như các chính sách về thuế, thất nghiệp, an sinh - xã hội… sẽ không đạt được kết quả như mong muốn hoặc có thể dẫn đến những tổn thất phúc lợi xã hội, nhất là đối với những quốc gia có nền kinh tế phi chính thức lớn. Tương tự, chính sách tiền tệ cũng bị kém hiệu lực và hiệu quả bởi các DN hoạt động trong khu vực phi chính thức thường không giao dịch với hệ thống ngân hàng cũng như thị trường vốn chính thức. Các DN hoạt động trong khu vực phi chính thức không tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, làm giảm sức cạnh tranh và vừa dẫn đến một sự lãng phí trong việc phân bổ và sử dụng nguồn lực.

Trong khi đó, quy mô ngày càng lớn của nền kinh tế phi chính thức sẽ tạo ra những bóp méo trên thị trường, làm sai lệch tín hiệu của thị trường và ảnh hưởng đến sức sản xuất cũng như năng lực cạnh tranh của khu vực chính thức, có nguy cơ kìm hãm sự phát triển kinh tế của một quốc gia trong dài hạn, làm suy giảm năng suất và khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.

Đây cũng chính là ý nghĩa của việc cần thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhằm đo lường đầy đủ khu vực NOE, ông Lâm và ông Đoàn khuyến nghị. Trong đó cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể thuộc khu vực kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực doanh nghiệp. Cần có chính sách cụ thể hỗ trợ, bảo vệ các cơ sở SXKD chính thức thuộc khu vực kinh tế phi chính thức.

Cùng quan điểm này, giới chuyên gia khuyến cáo, Chính phủ cần có các biện pháp nhằm thu hẹp quy mô nền kinh tế chính thức, nhưng không phải bằng biện pháp cưỡng bức mà bằng các cải cách dài hạn hướng đến cải thiện chất lượng hệ thống luật pháp, cải cách thuế khóa, giảm chi phí tuân thủ, cải thiện môi trường kinh doanh; cải thiện chất lượng thể chế, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, giảm tham nhũng; duy trì ổn định vĩ mô bền vững.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến