Dòng sự kiện:
Đưa lãi suất tiền gửi về 0% - Liệu có khả thi?
23/06/2021 17:06:42
Đề xuất đưa lãi suất tiền gửi trung và dài hạn tại Việt Nam về mức thấp, thậm chí là 0% để hạ lãi vay “cứu” doanh nghiệp và người tiêu dùng là có thể thực hiện được.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (Vafi) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất áp dụng các giải pháp hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm. Lý giải cho việc này Vafi cho rằng lãi suất huy động hiện nay tại Việt Nam đang rất cao khiến lãi suất cho vay ra đang “neo” ở mức gấp 2-3 lần, gây khó khăn cho người tiêu dùng và đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.


Giải pháp thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ 2 trở đi đã được bàn thảo từ năm 2017 nhưng chưa thực hiện được. Theo Vafi nếu thực hiện được sẽ góp phần ngăn dòng tiền đầu cơ và giúp hạ nhanh lãi suất tiết kiệm (Ảnh: Tọa đàm trực tuyến "Hai kịch bàn từ đề xuất đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2" do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức)

Lợi bất cập hại

Trong văn bản gửi Chính phủ và các Bộ ngành, Vafi cho rằng hiện mức lãi suất huy động của nhiều nền kinh tế phát triển đang áp dụng rất thấp, gần như bằng 0%, thậm chí một số nước còn duy trì lãi suất âm và buộc phải nộp phí đối với đối tượng gửi tiền. Chính sách này nhằm bảo đảm lãi suất cho vay ra cực thấp, chỉ khoảng (2-5%), qua đó kích thích hệ thống doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội cho người thu nhập thấp.

Công văn của Vafi còn dẫn chứng ngay cả một số nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đã áp dụng lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0% còn lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng 0,2-0,7%/năm.

Tại Việt Nam, tiền gửi bằng VND trong ngắn hạn và trung hạn đang ở mức 3,5 - 6,2%. Theo Vafi, mức này "rất cao" so với các nước nói trên và dẫn đến lãi suất cho vay cũng gấp 2-3 lần. Điều này được cho là một bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.

Lãi suất tại Việt Nam "neo" cao, theo nhìn nhận của Vafi, có nguyên nhân cơ bản là Việt Nam chưa có được hệ thống giải pháp để hướng dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế thay vì thị trường bất động sản hay ngoại tệ.

Theo đánh giá của Vafi, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp để hạ thấp lãi suất tiền gửi tiết kiệm so với trước kia và nhờ đó, đã xuất hiện dòng tiền khổng lồ đổ vào thị trường chứng khoán.

"Trong lúc khó khăn do dịch COVID- 19 này, TTCK lại phát triển đã giúp cho hệ thống ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp trong nước tồn tại phát triển và thêm nhiều khả năng chống chọi với những khó khăn mới" - Vafi nhìn nhận.

Tuy nhiên, dòng tiền lớn nhàn rỗi lớn cũng đổ vào thị trường bất động sản, đẩy giá đất tăng mạnh và nguy cơ gây khó khăn cho phát triển kinh tế cũng như tạo rào cản thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Giá đất tăng còn tác động tiêu cực tới an sinh xã hội khi hàng triệu người lao động khó có khả năng mua được một ngôi nhà cho chính mình.

Vafi cho rằng, Việt Nam có nhiều tiền đề khách quan vững chắc để hạ nhanh lãi suất tiền gửi về 0%: Chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, xuất khẩu hỗ trợ thu ngoại tệ lớn, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán thời gian qua đều tăng trưởng mạnh bất chấp dịch COVID-19.

Giải pháp liệu có dễ thực thi?

Không chỉ đưa ra đề xuất mà Vafi còn đồng thời đưa ra các giải pháp.

Đầu tiên, theo Vafi đưa ra, đó là áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu thu ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước. Giải pháp này Vafi cho là điều kiện tiên quyết để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Còn nhớ đây là giải pháp chính ngành tài chính đưa ra từ năm 2017 và đã được nhiều nơi bàn thảo. Hàng loạt các cuộc hội thảo, tọa đàm đã đưa ra phân tích, mổ xẻ và tất cả đều có chung nhận định nếu làm được việc này sẽ hạn chế được hiện tượng tham nhũng, chấm dứt hiện tượng đầu cơ thao túng giá, đưa bất động sản về đúng giá trị thực và một dòng tiền nhàn rỗi vô cùng lớn sẽ chảy vào thị trường. Đây là tiền đề tốt để ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiền gửi thấp.

Tại thời điểm năm 2017, ngoài những lý do “tế nhị” thì một lý do chính mà ngành thuế đưa ra đó là tại thời điểm đó Việt Nam chưa có hệ thống dữ liệu liên thông quốc gia để có thể biết được một người có bao nhiêu tài sản là bất động sản. Khi đó một người có 2 căn nhà ở Hà Nội và 2 miếng đất ở Đà Nẵng thì không dễ gì phát hiện họ có tổng cộng là 4 tài sản bất động sản để mà đánh thuế.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc áp dụng chính phủ điện tử và căn cước công dân thì việc biết được ai đó có tổng cộng mấy căn nhà, mấy lô đất ở tỉnh A, thành phố B là điều quá dễ dàng. Khi đó chúng ta rất dễ áp dụng đánh thuế lũy tiến nhà ở thứ 2, thứ 3 và chắc chắn rất ít người dám mua nhà để đầu cơ. Như vậy vô hình chung sẽ có một lượng tiền nhàn rỗi được đưa ra thị trường, việc hệ thống ngân hàng áp dụng lãi suất huy động thấp là điều hoàn toàn khả thi.

Một giải pháp khác mà Vafi đề xuất đó là Bộ Tài chính cần sửa chính sách để bỏ thuế chuyển nhượng trái phiếu, thuế lợi tức trái phiếu để tối đa hóa quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư. Khi đó dòng tiền nhàn rỗi sẽ chảy mạnh vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động có thể thấp hơn nhiều so với hiện nay, ở mức dưới 2%/năm và như vậy hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài để làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm, qua đó gián tiếp làm giảm lãi vay xuống thấp hơn nhiều so với hiện nay. Đề xuất này cũng được đánh giá là hợp lý và hoàn toàn khả thi nếu Bộ Tài chính tính toán mức độ lợi hại cho nền kinh tế và đề xuất với Chính phủ để áp dụng thực hiện sớm.

Vafi cho rằng, khi lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh, để phòng trường hợp một phần dòng tiền nhàn rỗi đầu cơ ngoại tệ thì Ngân hàng nhà nước cần ban hành chính sách thu phí tiền gửi ngoại tệ ở một mức nhất định nhằm đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định và không làm mất cân đối kinh tế vĩ mô. Thực tế hiện nay lãi suất tiền gửi là ngoại tệ được các ngân hàng áp dụng là 0% từ lâu. Việc thu một khoản phí hợp lý là điều cũng không phải khó thực hiện.

Cuối cùng, điều mà Vafi đưa ra là hệ thống ngân hàng trong nước cần tiếp tục được củng cố theo hướng loại bỏ ngân hàng yếu kém, cải thiện cơ cấu cổ đông bằng việc tăng cường cổ đông tổ chức, cổ đông chiến lược thật sự, hạn chế dần tình trạng ngân hàng thuộc sở hữu của một tập đoàn và phải ngăn ngừa tình trạng tham nhũng trong bất kỳ ngân hàng nào.

Về điều này, trong suốt những năm qua ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, làm lành mạnh hóa các hoạt động tín dụng, tăng cường hạn chế nợ xấu, nợ khó đòi, giảm thiểu rủi ro cho toàn hệ thống để tránh thất thoát, lãng phí ảnh hưởng tới lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, đề xuất giảm dần lãi suất huy động về mức lý tưởng dưới 2%, thậm chí 0% mà Vafi đưa ra đang gặp một rào cản vô cùng lớn đó là thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang diễn ra rất thất thường. Tình trạng thao túng giá khiến thị trường gay cấn như “đánh trận”, tình trạng “được nhà, mất xe trong gang tấc” đã thu hút lượng lớn nhà đầu cơ lướt sóng với một lượng tiền khổng lồ. Đây có lẽ là điều mà Chính phủ, Ủy ban chứng khoán cần phải giải quyết sớm nhất trong thời gian tới.

Tác giả: Tiến Dũng

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến