Dùng dằng thoái vốn nhà nước
Theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, có 141 doanh nghiệp được Nhà nước thoái vốn giai đoạn 2022-2025.
Trong đó, UBND tỉnh Bình Định cần thoái vốn khỏi 2 doanh nghiệp là CTCP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar - mã CK: DBD) và CTCP Khoáng sản Bình Định (Bimico). Đến nay, thông qua Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh Bình Định, UBND Bình Định đang giữ 13,34% DBD và 25% Khoáng sản Bình Định.
Trong khi phương án thoái vốn tại Bimico đã công bố sẽ thực hiện kể từ quý IV/2024 thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận, giá khởi điểm là 22.300 đồng cổ phiếu, thì Bình Định vẫn chưa đưa ra phương án thoái vốn tại Bidiphar.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin, tỉnh đang xin để lại vốn nhà nước tại Bidiphar do đây là doanh nghiệp có tính chất an sinh. Lãnh đạo tỉnh cho rằng khi thoái vốn nhà nước, những doanh nghiệp mang tính trọng điểm ảnh hưởng đến các hoạt động chính trị, xã hội thì phải để lại, còn doanh nghiệp nào không cần quản lý thì Nhà nước nên thoái. Dù trước đó, trong báo cáo Về việc thực hiện công tác thoái vốn nhà nước quý III/2024 gửi Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Bình Định vẫn báo cáo “địa phương đang tiếp tục xây dựng phương án, tổ chức thực hiện thoái vốn hoàn thành trong giai đoạn 2024 - 2025 theo ý kiến chỉ đạo”.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, thoái vốn nhà nước tại 05 doanh nghiệp (F1) với tổng giá trị phần vốn nhà nước là 145 tỷ đồng, thu về 157 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, Doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 3 doanh nghiệp (F2) với giá trị 40,9 tỷ đồng, thu về 182 tỷ đồng. Nguồn Bộ Tài chính |
Trên thực tế, Bidiphar đã nằm trong Kế hoạch thoái vốn từ nhiều năm trước nhưng mãi chưa thực hiện được. Năm 2020 - 2021, Bình Định từng thoái vốn bất thành Bidiphar trên sàn với lý do mức giá chưa đáp ứng mức giá kỳ vọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu (cổ phiếu DBD trên sàn giảm khiến việc thoái vốn không thuận lợi, có thể gây thất thoát vốn nhà nước). Do đó, tỉnh đã kiến nghị chủ trương cho tiếp tục thoái vốn trong giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Quyết định số 4608/QĐ-UBND ngày 10/12/2019, mức giá khởi điểm chào bán cổ phần vốn nhà nước tại Bidiphar được phê duyệt là 43.221 đồng/cổ phiếu. Đầu năm 2020, giá cổ phiếu DBD là 55.550 đồng/cổ phiếu, tuy giảm do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng đầu năm 2021 vẫn ở mức 48.600 đồng/cổ phiếu và tăng lại trên ngưỡng 51.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2022.
Tới năm 2023, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục xin giãn thời gian thoái vốn tại Bidiphar đến sau năm 2025 với lý do thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2024 - 2025 là không thuận lợi và nguồn thu từ thoái vốn không đạt kỳ vọng tốt nhất, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.
Sau nhiều năm dùng dằng, đến nay khi thời hạn thoái vốn sắp hết, Bình Định lại muốn giữ lại vốn nhà nước tại Bidiphar?
Trong lịch sử, UBND Bình Định cũng đã từng đề xuất giữ lại vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp. Ví dụ như năm 2021, Bình Định từng đề xuất Chính phủ cho phép tiếp tục giữ 51% vốn điều lệ tại CTCP Môi trường Bình Định và CTCP Công viên cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn với lý do tỷ trọng doanh thu từ hoạt động công ích đều trên 50%.
Bidiphar làm ăn thế nào?
Bidiphar được biết đến là một doanh nghiệp đặc biệt trong ngành dược Việt Nam bởi Công ty chú trọng đến việc phát triển các dòng thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị. Đây cũng là công ty dược đầu tiên trong nước nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị ung thư.
Công ty duy trì doanh thu lợi nhuận ở mức ổn định, giai đoạn 2019 -2020 dù sụt giảm nhưng mức biến động không lớn. Đến năm 2021, cả doanh thu lẫn lợi nhuận của Bidiphar đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ và hiện vẫn đang đưa về hơn 200 tỷ lợi nhuận mỗi năm.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 cho biết, doanh thu thuần công ty đạt 816 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 165 tỷ đồng. Cập nhật mới đây, lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đã đạt 63% kế hoạch doanh thu và 77% kế hoạch lợi nhuận năm
Bán dược phẩm tự sản xuất mang về doanh thu chính cho Bidiphar. Đây hiện là doanh nghiệp dược phẩm nội địa duy nhất tham gia vào cơ cấu đầu thầu thuốc điều trị ung thư, đang đứng thứ 6 về giá trị sau các doanh nghiệp dược nước ngoài và dẫn đầu về sản lượng (theo liều thuốc). Tuy nhiên, giá trị trúng thầu thuốc điều trị ung thư của Công ty chưa cao vì đa phần là thuốc hóa trị có giá trị thấp.
UBND tỉnh Bình Định vẫn đang là cổ đông lớn nhất tại Bidiphar. Từ khi lên sàn đến nay, Bidiphar đều đặn trả cổ tức hàng năm, cổ tức giai đoạn 2016 - 2020 đều chi trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% vốn điều lệ, tức mức chi 1.500 đồng/cổ phiếu. Giai đoạn đó, hàng năm Bidiphar đều chi gần 80 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt, tương đương chiếm khoảng 50% lợi nhuận ròng thu về. Với tỷ lệ nắm giữ hơn 13%, UBND tỉnh Bình Định mỗi năm nhận về hơn 10 tỷ đồng. Đến 2020, Công ty mới bắt đầu thực hiện thêm phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu để giữ lại thêm lợi nhuận cho các kế hoạch đầu tư lớn. Năm 2023, công ty chia cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, kế hoạch năm 2024 là chia tối thiểu 20% bằng tiền hoặc/và cổ phiếu.
Trong khi Bình Định vẫn chưa thoái vốn nhà nước thì Bidiphar cũng đang chật vật tìm nhà đầu tư chiến lược. Từ năm 2020, room ngoại tại Bidiphar được mở tối đa lên 100% nhưng vẫn chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp. Trong khi trên thị trường, các doanh nghiệp dược lớn đều nhận được sự hỗ trợ của các cổ đông nước ngoài, thậm chí trở thành công ty trực thuộc như Dược Hậu Giang về tay Taisho Pharmaceutical, Imexpharm về với SK, Domesco về tay Abbott… thì câu chuyện tìm nhà đầu tư chiến lược vẫn luôn được nhắc đến trong mỗi kỳ họp cổ đông của Bidiphar.
Năm 2023, Công ty đã lên kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho tối đa 5 nhà đầu tư nhưng chưa được thực hiện. ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Bibiphar tiếp tục thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư với tổng số cổ phiếu chào bán dự kiến là 23,3 triệu cổ phiếu, giá tối thiểu 50.000 đồng/cổ phiếu và thực hiện trong năm 2024 - 2025.
Theo cập nhật của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), tại buổi tiếp xúc nhà đầu tư cuối tháng 9 vừa qua, lãnh đạo Bidiphar cho biết, hiện Công ty đang triển khai gặp gỡ 4 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, ưu tiên tiêu chí tìm kiếm đối tác chiến lược mang lại giá trị mới, có thể chuyển giao công nghệ và đồng hành lâu dài cùng công ty. Tuy nhiên, Bidiphar vẫn đang gặp một số bất cập về thương vụ này do hoạt động kinh doanh chú trọng vào mảng điều trị ung thư, dung dịch lọc máu, tương đối khác biệt so với thị trường dược phẩm.
Tác giả: Thủy Triều
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy