Tin liên quan
Trước khi Chính phủ quyết định chuyển việc quản lý giá sữa về cho Bộ Công Thương thì riêng về mặt quản lý nhà nước ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, sữa đã “một cổ ba tròng”. Ảnh: THÀNH HOA
Trên thực tế, việc các mặt hàng chịu sự quản lý của hơn một bộ đã khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trần ai còn người tiêu dùng vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi.
Đầu tiên là mặt hàng sữa, tính cả sữa nước lẫn sữa bột và sản phẩm chế biến từ sữa. Trước khi Chính phủ quyết định chuyển việc quản lý giá sữa về cho Bộ Công Thương thì riêng về mặt quản lý nhà nước ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, sữa đã “một cổ ba tròng”. Theo Thông tư liên tịch số 13/2014 thì có ba bộ kiểm soát về tính an toàn, chất lượng của sữa, đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công Thương. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm với sữa tươi nguyên liệu. Bộ Y tế lo về các loại vi chất bổ sung vào sữa. Bộ Công Thương quản an toàn thực phẩm với hàng loạt loại sữa. Nguyên tắc là đảm bảo một cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước.
Vậy nhưng, khi đi vào thực tế quản lý thì mọi chuyện lại không hề đơn giản. Hộ nông dân nuôi bò, làm ra sữa tươi nguyên liệu nhưng còn có thể chế biến sữa chua để bán. Vì vậy, bao giờ khi đi kiểm tra cũng có đại diện ba cơ quan cùng đi, họ cùng kiểm tra và họp bàn ai là đại diện ký biên bản. Cán bộ ngành nông nghiệp không có chuyên môn về chất lượng của sản phẩm sữa chua, chỉ có cán bộ ngành y tế mới biết cơ sở sản xuất đã bỏ thêm vi chất gì nhưng sữa chua là mặt hàng khác từ sữa chế biến lại nằm trong danh mục quản lý của ngành công thương.
Tình trạng quản lý phân tán, manh mún này đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa có nhiều động thái sắp xếp lại. Tất nhiên không thể cứng nhắc là chỉ một bộ, ngành quản lý một mặt hàng mà cần lựa chọn phương án tối ưu, hợp lý dựa trên những cơ sở khoa học.
Hay như chuyện kiểm tra chuyên ngành ở khâu nhập khẩu với sữa bột và sản phẩm chế biến từ sữa. Các doanh nghiệp cho biết, họ phải cùng lúc lấy mẫu để kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương. Cán bộ ngành nông nghiệp cho biết việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm họ làm được vì đã có kinh nghiệm với thịt đông lạnh. Vậy nhưng theo quy định hiện nay thì hai bộ cùng làm. Thời gian, chi phí của doanh nghiệp bị đẩy lên là vì thế.
Sang đến phần giá thì phải lo thực hiện các thủ tục hành chính như kê khai, đăng ký giá... Đó là chưa nói đến chuyện thực hiện công bố chất lượng, gọi tên theo các quy chuẩn... Tính chung, nếu cả phần an toàn thực phẩm và giá, mặt hàng sữa hiện đang chịu sự quản lý của bốn bộ. Và từ sau ngày 1-1-2017 thì sẽ còn ba bộ, trong đó Bộ Công Thương vừa quản lý về an toàn thực phẩm, vừa chịu trách nhiệm về giá.
Cũng liên quan đến Thông tư liên tịch số 13 hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng khác mà người tiêu dùng ăn, uống hàng ngày cũng gặp tình trạng tương tự. Nhiều khi bị xử phạt “oan” vì không biết tuân thủ sao cho đúng. Bản thân cơ quan quản lý cũng hiểu sai quy định.
Một ví dụ khác, đó là mặt hàng phân bón. Tuần rồi, các đại biểu Quốc hội đã đồng loạt chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về tình trạng phân bón giả, kém chất lượng hoành hành, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và người nông dân (con số lên tới 2 tỉ đô la Mỹ mỗi năm). Lý giải cho tình trạng này, người đứng đầu ngành công thương cho rằng do việc quản lý gãy khúc. Theo đó, Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân bón hữu cơ từ các khâu từ sản xuất đến công bố hợp quy. Trong khi đó, các loại phân bón lại rất đa dạng (có 5.000 loại phân bón hữu cơ và 5.700 loại phân bón vô cơ). Sự gãy khúc này khiến việc quản lý chồng chéo, hiệu quả kém, hiệu lực quản lý không đảm bảo và cũng không có đủ nguồn lực để kiểm tra. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thì chỉ ra nguyên nhân là cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan quản lý. Từng bộ quản lý với mặt hàng phân công thì dễ nhưng gặp trường hợp doanh nghiệp sản xuất cả phân bón vô cơ lẫn hữu cơ thì lại phát sinh vấn đề, tạo kẽ hở cho gian dối khi phối hợp không tốt. Ông này kiến nghị, cần thay đổi công tác quản lý theo hướng tập trung tại một bộ, hoặc ở Bộ Công Thương hoặc ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đây chỉ là vài câu chuyện của một số mặt hàng đang chịu sự quản lý của hơn một bộ, ngành. Theo cách này, hiệu quả quản lý đã không đạt được vì sự chồng chéo cũng như đá bóng trách nhiệm qua lại. Nói như chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì đúng kiểu “cha chung không ai khóc” và hệ quả là “lắm cha con khó lấy chồng”- thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tình trạng quản lý phân tán, manh mún này đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa có nhiều động thái điều chỉnh, thay đổi từ cơ quan quản lý cấp cao nhất. Lại còn có tình trạng đùn đẩy nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, nhất là ở những lĩnh vực “nhạy cảm”, được nhiều người chú ý như lĩnh vực giá. Ví dụ chuyện quản lý giá sữa, giá xăng dầu, giá thuốc...
Do vậy, vấn đề là phải sắp xếp lại. Tất nhiên không thể cứng nhắc là chỉ một bộ, ngành quản lý một mặt hàng mà cần lựa chọn phương án tối ưu, hợp lý dựa trên những cơ sở khoa học, chứng cứ thuyết phục. Nếu có hơn một bộ thì nhất định phải có cơ chế phối hợp rõ ràng, minh bạch để tất cả tuân thủ, tránh tình trạng bỏ lửng hoặc đá quả bóng trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Quan trọng hơn, mọi biện pháp quản lý đều phải hướng đến mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Nên đọc
Theo TBKTSG
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy