Dòng sự kiện:
Dùng quyền sở hữu trí tuệ vay vốn: Cái khó bó cái khôn
02/05/2019 10:04:46
Pháp luật hiện hành đã có quy định chấp nhận tài sản đảm bảo khi vay vốn là quyền sở hữu trí tuệ. Đây được coi là cơ hội 'mở' đối với những người làm công tác nghiên cứu, sáng chế muốn được hiện thực hóa.

Gần như không thể dùng quyền sở hữu trí tuệ để thế chấp ngân hàng.

Quy định phi thực tế

Tại Việt Nam hiện nay, phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo đang bùng nổ khá mạnh mẽ; điểm chung của những DN này là tài sản hữu hình hầu như không có gì, đa phần dùng cơ sở vật chất đi thuê, hoạt động dựa trên số vốn tự có ít ỏi, nên giá trị tài sản lớn nhất chính là quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng các DN này đều “than thở” về khó khăn, thậm chí là không thể vay vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ ngay cả khi pháp luật đã cho phép.

Bởi theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2016 của Chính phủ, tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, đồng thời quy định quyền tài sản là một loại tài sản và là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Về thực trạng này, chính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải thừa nhận, thực tiễn hoạt động tại Việt Nam và quốc tế cho thấy, việc thế chấp đối với quyền sở hữu trí tuệ tại hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân một phần do khó định giá quyền sở hữu trí tuệ, phần khác do giá trị của quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo đảm trong chuỗi các hoạt động của doanh nghiệp đó, khó chuyển giao khi phải xử lý tài sản bảo đảm. Hơn nữa, một số DN chưa chứng minh phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi sẽ là khó khăn, tạo áp lực rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng khi xem xét cho vay.

Nói thêm về vấn đề này, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quyền sở hữu trí tuệ có thể là một tài sản thương mại, cũng có thể không. Nhưng quyền sở hữu trí tuệ đúng là có giá trị, nhưng lại mang giá trị tinh thần nhiều hơn, ít có tính thanh khoản. Do đó, nếu mang quyền này ra thế chấp, không có ngân hàng chấp nhận được, bởi nếu người nợ không trả được nợ thì ngân hàng liệu có bán được quyền sở hữu trí tuệ này không hay lại trở thành món nợ khó đòi, rồi chuyển thành nợ xấu? Vì thế, vị này khẳng định, việc cho phép dùng quyền sở hữu trí tuệ để thế chấp ngân hàng chỉ là “hô hào”, không thực tế.

Hơn nữa, nhiều chuyên gia còn tỏ ra quan ngại bởi các nhà khoa học, nhà sáng chế có quyền sở hữu trí tuệ lại thường không phải là những doanh nhân hay những nhà quản lý tốt. Nên từ quyền sở hữu trí tuệ cho đến sản phẩm, dịch vụ mang lại giá trị lợi nhuận còn có khoảng cách rất xa, khiến ngân hàng e dè cho vay là điều hiển nhiên. Chưa kể đến các yếu tố thị trường, công nghệ, thời hạn bảo hộ… đều sẽ có tác động làm giảm giá trị của quyền sở hữu trí tuệ, nên ngân hàng cho vay dựa trên quyền này sẽ rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Tìm hướng hợp lý hơn

Các ngân hàng cũng hoạt động như các DN, phải kinh doanh dựa trên lợi nhuận. Vì vậy, để thực hiện được trong hoạt động vay vốn, quyền sở hữu trí tuệ cần được tiến hành định giá nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Vấn đề này đã được các cơ quan quản lý ban hành không ít quy định hướng dẫn. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, việc định giá tài sản trí tuệ vẫn còn khá sơ sài, chỉ mang tính chất nguyên tắc về cách thức tính toán (dựa trên sổ sách) của tài sản vô hình.

Nhiều DN và chuyên gia cho rằng, để khắc phục bất cập về định giá quyền sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ, chúng ta cần có các tổ chức định giá chuyên nghiệp, sử dụng theo các thông lệ quốc tế để mang tính chính xác, khách quan, có tính đến các tác động tiêu cực khiến giá trị của tài sản trí tuệ sụt giảm… Bên cạnh đó, Chính phủ để có quy định chặt chẽ hơn về quyền sở hữu trí tuệ, ví dụ như quyền sở hữu trí tuệ phải có tính thanh khoản cao, được phép sang nhượng.

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, không chỉ tại Việt Nam, mà nhiều nước phát triển trên thế giới, như tại Mỹ, các ngân hàng cũng không dám nhận cho vay vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ. Vì thế, để quyền sở hữu trí tuệ phát huy hiệu quả về cung ứng vốn, một mặt, cơ sở pháp lý phải được hoàn thiện; mặt khác, các DN, nhà nghiên cứu nên tìm một nguồn đầu tư tài chính khác phù hợp hơn.

Do vậy, các quyền sở hữu trí tuệ phải được đứng đằng sau là các DN, nhà đầu tư để biến sản phẩm, dịch vụ thành thương mại. Vì thế, các hiệp hội ngành nghề của DN phải có các trung tâm để các nhà sáng chế, nghiên cứu tiếp cận; từ đó mời gọi các DN, nhà đầu tư.

Hơn nữa, cũng theo vị chuyên gia này, nguồn vốn khởi đầu cho các tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ không thể là ngân hàng, mà phải là các quỹ tài chính, các nhà đầu tư mạo hiểm… - chỉ có họ mới biết sử dụng, phát triển các tài sản trí tuệ như thế nào để hợp lý, còn ngân hàng chỉ biết cung cấp nguồn vốn mà thôi.

Theo báo Hải Quan

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến