Dòng sự kiện:
Dừng thanh toán BHYT với một số loại thuốc bị rút số đăng ký lưu hành
05/12/2017 19:40:03
BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn 5054/BHXH-DVT về việc dừng thanh toán BHYT với một số loại thuốc.

BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn 5054/BHXH-DVT về việc dừng thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) với một số loại thuốc. Công văn nêu rõ, ngày 21/09/2017, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có Quyết định số 416/QĐ-QLD về việc rút số đăng ký lưu hành, đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất phối hợp Trypsin và Bromelain, thuốc chứa hoạt chất phối hợp Domperidon và chất ức chế bơm proton đang lưu hành tại Việt Nam.

BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố thông báo đến tất cả các cơ sở trên địa bàn có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH ngừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với các thuốc được nêu trong Danh mục các thuốc rút số đăng ký lưu hành, đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc đang lưu hành tại Việt Nam.

Đồng thời, BHXH các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, rà soát số liệu thanh toán chi phí KCB tại các cơ sở KCB BHYT, thông báo cho các cơ sở KCB về việc thu hồi và điều chỉnh giảm chi phí đã thanh toán theo chế độ BHYT (nếu có) vào kỳ quyết toán Quý 4 năm 2017 đối với các thuốc có trong Danh mục rút số đăng ký lưu hành, đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc đang lưu hành tại Việt Nam nêu trên kể từ ngày Quyết định số 416/QĐ-QLD có hiệu lực.

BHXH Việt Nam nêu rõ, trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc, đề nghị báo cáo về BHXH Việt Nam để được hướng dẫn, giải quyết.

BHXH Việt Nam vừa quyết định dừng thanh toán BHYT đối với một số loại thuốc bị Cục Quản lý Dược đình chỉ lưu hành

Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có Quyết định số 416/QĐ-QLD Về việc rút số đăng ký lưu hành, đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất phối hợp Trypsin và Bromelain, thuốc chứa hoạt chất phối hợp Domperidon và chất ức chế bơm proton đang lưu hành tại Việt Nam.

Thuốc chống phù nề chứa hoạt chất phối hợp trypsin và bromelain thường được dùng trong những trường hợp phù nề, sưng tấy do chấn thương hay phẫu thuật, dùng phối hợp điều trị trong các bệnh đường hô hấp trên như viêm họng, viêm phế quản, viêm xoang...

Thuốc dạ dày chứa hoạt chất domperidon và chất ức chế bơm proton thường được dùng trong điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn do nhiễm trùng, thuốc, hóa/xạ trị, điều trị và dự phòng tái phát loét tá tràng, loét dạ dày và viêm thực quản do trào ngược dạ dày - thực quản. Hai loại thuốc này hiện nay được bày bán trên thị trường dược phẩm nước ta với nhiều biệt dược phong phú với giá cả cũng rất khác nhau từ 16.800đ/hộp đến 360.000đ/hộp (tùy theo số viên trong hộp).

Tuy nhiên mới đây, căn cứ vào thông tin, khuyến cáo của cơ quan quản lý dược một số nước trên thế giới, cũng như kết luận của Hội đồng Tư vấn cấp số đăng ký lưu hành thuốc - Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược đã có quyết định rút số đăng ký lưu hành, đình chỉ lưu hành, thu hồi 42 loại thuốc chống phù nề chứa hoạt chất phối hợp trypsin và bromelain; thuốc dạ dày chứa hoạt chất domperidon và chất ức chế bơm proton. Cụ thể:

- Thuốc sản xuất trong nước chứa dược chất phối hợp bromelain và trypsin bao gồm các sản phẩm: protase tab., brosafe, pedonase, kimose

- Thuốc nhập khẩu chứa dược chất phối hợp bromelain và trypsin bao gồm các sản phẩm: strikase, gimof, trimelan tab., belarosin, orzynase tablet, probilase tablet, berovase tablet, kotase tab., daeshinprotase, paticur, brotilase, kimoral S, bonxicam, phartino.

- Thuốc sản xuất trong nước chứa dược chất phối hợp domperidon và chất ức chế bơm proton bao gồm các sản phẩm: stomedon, trizodom, molingas, prazodom, bipando, defaton, lomerate, ausmezol-D, othevinco, domeloc, domprezil.

- Thuốc nhập khẩu chứa dược chất phối hợp domperidon và chất ức chế bơm proton bao gồm các sản phẩm: dompan forte, dompan, digazo, panido-D, omicap-D, L-Cid-D, G-Pandom, limzer, digazo, ulceburg D.

Cục Quản lý Dược đã quyết định đình chỉ lưu hành trên toàn quốc và thu hồi toàn bộ 42 loại thuốc nêu trên và yêu cầu các công ty đăng ký phối hợp với các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối thuốc thực hiện thu hồi và hủy toàn bộ 42 loại thuốc này theo đúng quy định tại Luật Dược ngày 6/4/2016.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến