Dòng sự kiện:
Dùng tiền ngân sách để sửa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất
11/04/2020 14:38:04
Chính phủ thống nhất sử dụng một phần nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2019 để đầu tư dự án cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được thống nhất tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.

Trước đó, ngày 10/4, Bộ GTVT đã có cuộc họp với các bên liên quan về việc đẩy nhanh tiến độ dự án sửa chữa, nâng cấp đường cất, hạ cánh và đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Do tính chất cấp bách, Bộ GTVT đã báo cáo đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng thực hiện dự án theo diện khẩn cấp quy định tại điều 128, 130 của Luật Xây dựng và điều 42, 43 trong Nghị định 59/2015/NĐ-CP thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu được chấp thuận, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh triển khai các bước lập dự án, phê duyệt thiết kế, chọn nhà thầu để khởi công đồng thời 2 dự án ngay trong tháng 7/2020, nhanh hơn 6 tháng so với dự kiến. Cả 2 dự án có tổng đầu tư khoảng 4.152 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ nâng cấp đường băng 25R/07L và xây mới, cải tạo các đường lăn liên quan nhằm đáp ứng khai thác đến 50 triệu khách/năm, 50-52 chuyến cất, hạ cánh mỗi giờ cao điểm, kinh phí dự kiến 1.876 tỷ đồng.

Tương tự, sân bay Nội Bài sẽ nâng cấp đường băng 11R/29L (1B) và 11L/29R (1A), đồng thời xây mới, cải tạo 20 đường lăn để đáp ứng nhu cầu khai thác đến 50 triệu khách/năm, 50-52 chuyến cất, hạ cánh mỗi giờ cao điểm, kinh phí đầu tư 2.276 tỷ đồng. Theo Bộ GTVT, nếu thuận lợi, thời gian thi công nhanh nhất là 23,5 tháng đối với sân bay Tân Sơn Nhất và 26,5 tháng đối với sân bay Nội Bài.

Chính phủ thống nhất dùng tiền ngân sách để sửa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Ngoài ra, về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ thống nhất chuyển đổi 8 dự án đầu tư PPP sang hình thức đầu tư công sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước.

Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị các thủ tục cần thiết để có thể triển khai ngay sau khi Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư các dự  án từ đầu tư PPP sang đầu tư công.

Về dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư công, khởi công dự án vào cuối năm 2020, mục tiêu thông xe kỹ thuật vào năm 2021, khánh thành năm 2022.

Bộ Tài chính tổng hợp dự án trong phương án phân bổ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2019, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ động quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tận dụng ngay thời điểm các sân bay đang giảm tần suất khai thác do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để triển khai dự án hiệu quả, đúng quy định để sớm đưa vào khai thác.

Linh Nhi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến