Dòng sự kiện:
Được chi hoa hồng hậu hĩnh, 'cò' đặc sản tung hoành
13/07/2018 11:49:36
Được hàng chục cửa hàng đặc sản ở TP Đà Lạt chi hoa hồng lên đến 30 - 40% nên “cò” liên kết các băng nhóm trong và ngoài tỉnh, giở đủ chiêu trò để nài ép, lừa du khách mua mứt với giá cao chót vót.

Ngày 12/7, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết đã giao cơ quan công an chủ trì nghiên cứu giải pháp khả thi nhằm chấm dứt tình trạng “cò” mứt chèo kéo, lừa gạt du khách khiến dư luận bất bình.

"Cò" đặc sản đeo bám khác

Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng Lê Hồng Phong, hiện có 4 băng nhóm với hàng chục đối tượng “cò” hoạt động tại TP Đà Lạt. “Cò” mứt hoạt động có tổ chức, cấu kết từ TP Đà Lạt đến nhiều tỉnh thành để tiếp cận các đoàn du khách khi đoàn còn chưa bước chân tới Đà Lạt.

Chiêu thức phổ biến của “cò” là dùng xe máy đeo bám chào mời, chèo kéo du khách đi tham quan vườn dâu tây miễn phí, tự tay hái quả và mua tại vườn với giá rẻ. Thế nhưng khi khách đồng ý đi theo, “cò” liền đưa thẳng đến cửa hàng mà “cò” và chủ cơ sở đặc sản cấu kết sắp đặt sẵn. Khách bị chiêu dụ, nài ép phải mua mứt rồi mới được tham quan, hái dâu tại vườn.

Thông thường khách phải mua mứt với giá cao gấp 2 - 3 lần so với giá thị trường, sau đó được đưa đến khu vườn thưa thớt quả với giá bán dâu từ 150.000 đồng/kg trở lên chứ không phải 20.000 đồng/kg như “cò” quảng cáo.

Khi du khách phản ứng lại thì bị quát nạt, dọa sẽ “đụng chân đụng tay”, một số người đã bị “cò” đánh đập. Có những đoàn vừa mua mứt xong thì chẳng thấy “cò” đâu nữa.

Công an TP Đà Lạt đã mở nhiều đợt ra quân, xử lý 89 đối tượng “cò”, tạm giữ 78 xe gắn máy, xử phạt hành chính trên 108 triệu đồng; xử lý 42 cơ sở kinh doanh đặc sản có hành vi thuê “cò”, phạt hành chính và tịch thu hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá trên 200 triệu đồng.

 

Công an TP Đà Lạt ra quân xử lý "cò" đặc sản

Mỗi khi lực lượng chức năng ra quân thì “cò” tạm ngưng nhưng sau đó lại tiếp tục hoạt động với phương thức cũ. Địa bàn hoạt động chủ yếu là Vườn hoa thành phố Đà Lạt, Thung lũng tình yêu, Dinh Bảo Đại, vòng xoay Hồ Xuân Hương, các tuyến đường như Phù Đổng Thiên Vương, Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực…

Ông Phong lý giải do chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý nên các chủ cửa hàng sử dụng “cò” vẫn ngoan cố hoạt động, có cơ sở bị phạt mười mấy lần nhưng vẫn tái diễn.

Đối với “cò” mứt cần phải bắt quả tang mới xử lý được; mặt khác tỉ lệ hoa hồng mà chủ cơ sở đặc sản chi cho “cò” lên tới 30 - 40% trên tổng số tiền ghi trên hóa đơn mua hàng nên đội ngũ này sống chết bám lấy “nghề”.

Đa số “cò” từ nơi khác đến nên công an địa phương khó nắm bắt tình hình để có biện pháp xử lý. Họ thường mua xe máy có giá trị thấp làm phương tiện hoạt động. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ xe thì “cò” bỏ luôn xe máy, không đến trình diện, nộp phạt và làm việc với công an. 

 Theo Tiền Phong

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến