Dược Hậu Giang dừng dự án xây nhà máy tại Myanmar
24/09/2014 09:52:37
ANTT.VN - Dự án đầu tư 91 tỷ đồng xây dựng nhà máy mới tại Myanmar của Công ty CP Dược Hậu Giang từng hứa hẹn sẽ dẫn đầu làn sóng “xuất ngoại" của DN Việt nhưng đến nay đã bị bỏ dở.
Hứa hẹn "mở cửa" thị trường Myanmar

Đầu tháng 7/2014, "ông lớn" ngành thuốc - Công ty CP Dược Hậu Giang (Mã DHG) thông báo kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng hoạt động các mặt hàng thuốc sang Myanmar. Dự kiến, Dược Hậu Giang sẽ đầu tư khoảng 4,3 triệu USD (tương đương 91 tỷ đồng).

Theo đó, DHG sẽ đầu tư mua 72,86% cổ phần của Công ty CP Dược phẩm Ánh Sao Việt (ASV Pharma Việt Nam) để nắm giữ gián tiếp 51% cổ phần của Công ty liên doanh ASV Pharma tại Myanmar. Được biết, ASV Pharma Myanmar đã được cấp giấy phép dự án xây dựng nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn WHO GMP tại Myanmar.

Việc xây dựng nhà máy tại Myanmar có thể bắt đầu vào năm sau nếu các thỏa thuận được thông qua. Kế hoạch "xuất ngoại" lần này của Dược Hậu Giang nằm trong mục tiêu nâng doanh số tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm sức khoẻ từ 8% lên 15% trong 5 năm tới.

Khó trăm bề

Tuy nhiên, dù nhận được khá nhiều khuyến khích từ phía Chính phủ Myanmar nhưng Dược Hậu Giang vẫn quyết định dừng dự án xây nhà máy triệu đô do hàng loạt khó khăn và mức độ rủi ro cao.

Rủi ro đầu tiên được phía DHG cho biết là doanh nghiệp lo ngại sẽ vướng phải cấm vận từ thị trường Mỹ khi liên doanh với một công ty của Myanmar. Cụ thể, đối tác liên doanh với DHG là công ty MEIG - công ty con của Zaykabar hiện đang nằm trong danh sách những công ty vẫn đang bị Mỹ cấm vận.

Khó khăn thứ hai đó là, trước khi liên doanh với DHG, dự án đầu tư xây dựng nhà máy này của đối tác đã được kéo dài và thay đổi thành phần tham gia. Do đó, nếu muốn đầu tư, giấy phép đầu tư của dự án này sẽ phải xin thay đổi và kéo dài hiệu lực. Điều này dẫn đến rủi ro về chi phí phát sinh và thời gian thực hiện các thủ tục.

Một điểm nữa khiến Dược Hậu Giang quyết định dừng dự án là do chưa lo ngại về mức lãi suất ưu đãi và thời gian được ưu đãi khi vay vốn đầu tư nước ngoài từ các ngân hàng trong nước. Việc chuyển tiền lợi nhuận, cổ tức...từ Myanmar về Việt Nam cũng chưa có luật rõ ràng từ phía Myanmar.

Tuy nhiên, dù tuyên bố dừng dự án xây nhà máy tại Myanmar, Dược Hậu Giang cho biết vẫn sẽ tiếp tục khảo sát mở rộng phân phối và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này. Hiện Myanmar đang có dân số 60 triệu dân nhưng chỉ có 5 nhà máy sản xuất dược và 250 doanh nghiệp nhập khẩu - phân phối thuốc.

Năm 2014, DHG đang có 17 số visa sản phẩm được lưu hành tại thị trường này và dự kiến tăng thêm 5 số đăng ký vào năm 2015.

PV
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến