Thị trường truyền thống
Kinh tế Việt Nam dẫn nguồn số liệu của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4/2023, xuất khẩu rau quả giúp Việt Nam thu về 410 triệu USD, tăng đột biến 75% so với tháng 4/2022. Lũy kế 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 1,39 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh gồm: thanh long, sầu riêng, xoài, mít...
Cụ thể trong 4 tháng đầu năm 2023 Trung Quốc dẫn đầu về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 58,7% thị phần và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng cường nhập trái cây Việt Nam.
Thị trường xuất khẩu rau quả có giá trị tăng mạnh nhất là Lào, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, thị trường Lào chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Ngược lại, xuất khẩu rau quả sang Hoa Kỳ giảm gần 18%, sang Austraylia giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước đó.
Việc xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng khoai lang của Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị khoai lang của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu sầu riêng cũng đang rất được quan tâm. Là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, Trung Quốc mỗi năm chi khoảng trên dưới 4 tỷ USD để nhập khẩu trái sầu. Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, quốc gia này nhập khẩu 821.500 tấn sầu riêng tươi vào năm 2021, tăng gấp 4 lần so với năm 2017. Năm 2022, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nhưng Trung Quốc vẫn nhập khoảng 800.000 tấn sầu riêng. Những năm trước đây, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan.
Sầu riêng là mặt hàng tiềm năng xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Nông sản "đi hàng" chính ngạch
Trao đổi với Tuổi Trẻ ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - về tình hình rau quả Việt Nam xuất khẩu. Ông Nguyên cho rằng hết quý 1 xuất khẩu ngành hàng đạt gần 1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
"Mức xuất khẩu ấn tượng gần tròn trịa 1 tỷ USD là do Việt Nam ký được nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, khoai lang, chuối sang thị trường Trung Quốc; và bưởi đi Mỹ, chanh đi New Zealand.
Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng là mặt hàng đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu ấn tượng của ngành rau quả 3 tháng đầu năm. Chỉ sầu riêng đã mang lại 420 triệu USD kim ngạch trong năm ngoái", ông Nguyên chia sẻ.
Đánh giá kế hoạch kim ngạch xuất khẩu ngành này đặt ra là 4 tỷ USD, tăng 20% là có "đầy triển vọng". Ông Nguyên phân tích: "Chỉ riêng sầu riêng thôi, trước mắt việc xuất khẩu đang rất thuận lợi. Nếu tình hình thuận lợi kéo dài, kim ngạch trái cây vua này sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD.
Các mặt hàng rau củ quả khác cân một đầu và cộng dồn, đẩy kim ngạch xuất khẩu chung cả ngành đạt 4 tỷ USD là chuyện không khó nghĩ".
Trước đó, ông Nguyên nhận định sầu Việt đang có nhiều lợi thế cạnh tranh so với sầu Thái và Philippines. Ông dẫn chứng, sản lượng sầu của Việt Nam hiện tăng lên trên dưới 1 triệu tấn, cho thu hoạch gần như quanh năm, trong khi Thái Lan và Philippines chỉ thu theo mùa. Quãng đường vận chuyển từ nước ta sang Trung Quốc ngắn hơn cũng là một lợi thế giúp sầu Việt tươi ngon, chi phí vận chuyển tính vào giá thành sẽ rẻ hơn hàng các đối thủ.
Nhờ đó, sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thành trái cây tỷ USD. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về vấn đề gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, chất lượng hàng xuất khẩu,... Không làm tốt những vấn đề này sẽ khó mở rộng được thị phần tại thị trường Trung Quốc vì các đối thủ cạnh tranh của sầu Việt ngày càng mạnh.
Là doanh nghiệp có vùng trồng và xuất khẩu lượng dưa lưới rất lớn sang Nhật Bản và các nước châu Á, ông Hồ Nguyên Long (doanh nghiệp ở huyện Củ Chi, Tp.HCM) chia sẻ câu chuyện xuất khẩu mặt hàng "của nhà làm".
"Tôi trồng dưa lưới theo công nghệ tiêu chuẩn, trồng và xuất khẩu đi Nhật và các nước. Ban đầu có bao nhiêu bán bấy nhiêu. Nhưng hàng chất lượng, bên phía đối tác sang tận đây để… tiền trạm và đặt hàng.
Năm nay diện tích, sản lượng dưa tăng lên. Nhìn trong bối cảnh chung, tôi đặt nhiều triển vọng cho ngành hàng này sẽ chạm đích", ông Long nói.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này một chủ doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi Nhật Bản ở tỉnh Long An, rau quả là ngành hàng tiềm năng. Để có lực đẩy giúp xuất khẩu rau quả tăng mạnh trong cả năm, vị này cho rằng phải cần nhiều "đòn bẩy".
"Cần ký kết thêm nghị định thư cho một số mặt hàng đã xuất khẩu chính ngạch như: thanh long, xoài, dưa hấu, mít, chôm chôm... Thị trường Trung Quốc cần mở cửa thêm cho các mặt hàng như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa.
Đẩy mạnh thêm các hoạt động để mở cửa thị trường khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ… Riêng với sầu riêng, để tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2023, cần đàm phán để cấp phép thêm mã số vùng trồng và mã số đóng gói. Và kêu gọi đầu tư vốn, công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp chế biến rau quả nhằm tăng thêm giá trị xuất khẩu", doanh nghiệp này đề xuất.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Trong quý II năm 2023, sản lượng trái cây cả nước ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460 nghìn tấn, xoài 350 nghìn tấn, sầu riêng 300 nghìn tấn, thanh long 250 nghìn tấn, vải thiều 330 nghìn tấn, dứa 217 nghìn tấn, nhãn 110 nghìn tấn, cam 180 nghìn tấn... Nguồn cung trái cây đang rất dồi dào, đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu".
Sau 5 năm mở rộng thị trường, hiện doanh nghiệp coi thị trường Trung Quốc là thị trường trọng điểm. Với cơ cấu sản phẩm khá đa dạng, mặc dù có sự sụt giảm ở các thị trường khác, nhưng thị trường Trung Quốc vẫn tăng trưởng hàng chục %. Chia sẻ với Vietnamnet, ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao cho biết: "Họ là thị trường có yêu cầu chất lượng cao về sản phẩm, không thua kém các nước EU hay Mỹ. Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đòi hỏi cao".
Trước những thành tựu đạt được trong quý I, để duy trì tốc độ tăng trưởng trên, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu.
"Cần hết sức linh hoạt, nhạy bén trong việc nghiên cứu thông tin về thị trường, nhu cầu của thị trường để xem thị trường cần sản phẩm chất lượng như thế nào, mẫu mã ra sao thì tính toán điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường", bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc, Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, nhận định.
Theo số liệu trên Tuổi Trẻ, năm 2021 là dấu mốc lịch sử về nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc. Cụ thể nhập khẩu sầu riêng tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước đó, lên 821.600 tấn; giá trị nhập khẩu tăng 82,4%, lên 4,205 tỷ USD. So với năm 2017, nhập khẩu sầu riêng năm 2021 tăng gần gấp 4 lần. Đây không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, các chuyên gia nhận định tương lai quả sầu riêng sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện nay Thái Lan đứng đầu danh sách các nhà cung cấp sầu riêng vào thị trường gần 1,5 tỷ dân này, chiếm 40% thị phần.
Tác giả: Trúc Chi (t/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy