Thông tin được tiết lộ từ một tờ báo Hàn Quốc, tuy nhiên các bên liên quan tại Việt Nam chưa đưa ra thông tin chính thức.
Đến nay, đại siêu thị Emart Gò Vấp ở TPHCM là điểm bán lẻ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam của tập đoàn Emart. Ảnh minh họa: TL
Tờ The Korea Times ngày 18-5 cho biết, Emart sẽ bán hoạt động kinh doanh cửa hàng bán lẻ của mình tại Việt Nam cho một công ty địa phương sau nhiều lần gặp trở ngại trong việc mở rộng hoạt động tại thị trường gần 100 triệu dân này.
Theo tờ báo Hàn Quốc, Emart tiết lộ thông tin trên thông qua một bản công bố hôm 17-5 rằng họ quyết định bán 100% cổ phần của Công ty Emart Việt Nam cho THACO, một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu thị trường trong nước và là doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản của Việt Nam.
Đại siêu thị E-mart Gò Vấp được xây dựng trên khu đất rộng hơn 3 ha tại 366 Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TPHCM) có tổng vốn đầu khoảng 60 triệu đô la Mỹ. Đây là điểm bán lẻ duy nhất của Tập đoàn Emart tại thị trường Việt Nam hiện nay. |
Thông qua thương vụ nói trên, Emart sẽ không còn hoạt động mảng bán lẻ dưới thương hiệu của mình tại Việt Nam. Theo The Korea Times, siêu thị bán hàng hóa với giá rẻ này sẽ được điều hành dưới dạng nhượng quyền thương mại do THACO quản lý và sẽ trả phí bản quyền cho Emart.
Emart gia nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm 2015 và khai trương đại siêu thị đầu tiên tại TPHCM. Tuy nhiên, Emart đã không thể mở thêm được điểm bán mới, do sự chậm trễ của chính quyền địa phương trong việc phê duyệt kế hoạch xây dựng, theo The Korea Times.
Cũng theo bài báo, THACO có kế hoạch mở hơn 10 siêu thị Emart vào năm 2025. “Hợp tác chiến lược của chúng tôi với THACO không chỉ mang lại tiền bản quyền mà còn tạo cơ hội cho chúng tôi xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu riêng", The Korea Times dẫn lời một đại diện của Emart.
Trên thực tế thông tin Emart rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam được một tờ báo Hàn Quốc khác đưa tin vào cuối năm ngoái. Cụ thể vào ngày 8-12-2020, tờ The Pulse News đưa tin nhà điều hành chuỗi siêu thị lớn nhất Hàn Quốc Emart đang rút khỏi Việt Nam, thị trường lớn thứ hai ở châu Á sau Trung Quốc với nguyên nhân là đối mặt với các rào cản pháp lý.
Khi đó tờ The Pulse News lý giải việc rút khỏi thị trường Việt Nam của Emart rằng nhà bán lẻ này đã mở siêu thị đầu tiên tại TPHCM vào năm 2015 và đã mua một địa điểm khác tại thành phố này cho lần khai trương thứ hai vào năm 2019. Nhưng dự án đã bị trì hoãn do những trở ngại trong việc cấp phép, làm gián đoạn kế hoạch mở thêm điểm kinh doanh.
Trước thông tin này, ngay lập tức, lãnh đạo Emart tại Việt Nam lên tiếng bác bỏ thông tin rút khỏi thị trường Việt Nam của tờ The Pulse News đưa tin. Khi đó, bằng thông cáo báo chí có chữ ký của ông Chun Byung Ki, Tổng giám đốc Emart Việt Nam, nhà quản lý siêu thị đến từ xứ kim chi này khẳng định thông tin Emart rút khỏi thị trường Việt Nam là không chính xác.
Ngay từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam, Emart mang theo mô hình từ Hàn Quốc sang với hướng đi giá rẻ. Theo các chuyên gia, để giảm giá bán và có giá tốt cạnh tranh trên thị trường, các chuỗi cửa hàng, siêu thị phải đảm bảo số lượng điểm bán lớn để có thể thương lượng với nhà cung cấp. |
Tuy nhiên, đại diện Emart ở Việt Nam năm ngoái thừa nhận rằng nhà bán lẻ này đã gặp khó khăn trong quá trình triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc mở thêm nhiều địa điểm kinh doanh mới. Cụ thể kế hoạch của Emart là trong 5 năm hoạt động mở được 10 điểm bán. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm hoạt động đến nay nhà bán lẻ này cũng chỉ có một điểm kinh doanh duy nhất đặt tại quận Gò Vấp.
Khi đó, nguồn tin riêng của KTSG Online cho biết nguyên nhân là do nhà phân phối này khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, mặt bằng có diện tích đất lớn để tự đầu tư mở rộng kinh doanh. Và tình trạng này không riêng Emart mà xảy ra với hầu hết các nhà bán lẻ nước ngoài khác với nhu cầu mặt bằng rộng lớn để mở đại siêu thị, hay trung tâm thương mại.
Do đó, đại diện Emart ở Việt Nam năm ngoái cho biết công ty đã quyết định thay đổi chiến lược bằng cách tìm kiếm đối tác có năng lực ngay tại Việt Nam để cùng nhau hợp tác hoặc liên doanh mở rộng mô hình kinh doanh đang rất thành công của Emart.
Thông tin mới từ The Korea Times vào ngày hôm nay đã phần nào tiếp tục khẳng định Emart sẽ rút khỏi mảng bán lẻ ở thị trường Việt Nam, và KTSG Online đã cố gắng liên lạc lại nguồn tin đã phản bác trước đó, nhưng người này không nghe máy điện thoại.
Liên lạc phía Tập đoàn THACO vào chiều ngày 18-5, người đại diện truyền thông của tập đoàn ô tô hàng đầu Việt Nam này nói rằng đến thời điểm này THACO chưa có ký kết gì với Tập đoàn Emart.
Sau khi mở thêm nhiều cửa hàng nhượng quyền tại Việt Nam, Emart cho biết họ sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Hàn Quốc xuất khẩu sản phẩm của họ sang Việt Nam, theo The Korea Times.
E-mart là chuỗi cửa hàng giá rẻ lớn nhất và lâu đời nhất tại Hàn Quốc, đã thâu tóm chuỗi kinh doanh 16 siêu thị Wallmart (Mỹ) ở Hàn Quốc vào năm 2006. Vào Việt Nam nhà bán lẻ này cũng đi theo hướng giá rẻ. Được biết trong thời gian đầu tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam cách đây 10 năm, E-mart dự định mở điểm bán đầu tiên ở Hà Nội. Tuy nhiên, việc tìm mặt bằng kinh doanh ở Hà Nội khá khó khăn, trong khi thị trường bán lẻ TPHCM sôi động hơn nên công ty quyết định chuyển hướng vào TPHCM. |
Tác giả: Lê Hoàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy