Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH quản lý quỹ SSI (SSIAM).
Tuy nhiên với khả năng giao dịch thứ cấp chứng chỉ quỹ ETF như một cổ phiếu, cơ hội đầu tư cũng mở rộng cho cả nhà đầu tư cá nhân, những người mong muốn một chiến lược đầu tư an toàn trong dài hạn và khả năng thanh khoản bất kỳ thời điểm nào.
VnEconomy đã hỏi chuyện ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) về cơ hội đầu tư với loại hình quỹ này.
ETF là một công cụ đầu tư mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tháng 9 tới đây quỹ VFMVN30 sẽ chính thức được niêm yết. SSIAM cũng đang xúc tiến thành lập một quỹ ETF tham chiếu tới chỉ số HNX30. Vậy lộ trình thành lập quỹ này đã đến đâu?
SSIAM đã nộp hồ sơ xin thành lập quỹ lên Ủy ban Chứng khoán và hiện đang hoàn thiện những hồ sơ cuối cùng để được cấp giấy phép chào bán chứng chỉ quỹ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có được giấy phép chào bán trong tháng 9 năm nay.
Với vai trò là tổ chức phát hành, SSIAM đã chuẩn bị hệ thống kết nối với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD).
Chúng tôi cũng đã thực hiện chạy thử thành công các giao dịch thứ cấp, tính toán iNAV tự động, mức độ sai lệch tracking (tracking error), thử nghiệm thành công với VSD và các đại lý phân phối (AP) trong các giao dịch hoán đổi sơ cấp, abitrage cũng như nghiệp vụ vay mượn chứng khoán…
Quỹ ETF nội địa được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài do cởi bỏ được hạn chế tỷ lệ sở hữu trong các doanh nghiệp niêm yết. Trong quá trình xúc tiến thành lập quỹ ETF của SSIAM, mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài như thế nào?
Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến quỹ ETF tham chiếu chỉ số bao gồm các cổ phiếu đã hết room. Các quỹ ETF như vậy sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tham gia.
Đối với quỹ tham chiếu các chỉ số không hoặc chưa bao gồm các cổ phiếu hết room thì cũng sẽ thu hút được mối quan tâm từ các tổ chức nước ngoài có chiến lược đầu tư bị động và thận trọng như các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm nước ngoài…
Về quy mô quỹ ETF mà SSIAM sẽ huy động, do chưa tiến hành roadshow và chào bán chính thức, nên chúng tôi chỉ có thể đưa ra được con số dự đoán. Theo đó chúng tôi hy vọng sẽ huy động được khoảng 100 tỷ đồng cho quỹ ETF, đa phần là từ các tổ chức đầu tư trong nước.
Các quỹ ETF thường có chiến lược đầu tư thụ động và rất cần các nguồn vốn dài hạn. Trong khi đó Việt Nam hiện đang thiếu vắng các nguồn vốn này, chẳng hạn chưa có loại hình quỹ hưu trí. Vậy theo ông điều này có làm hạn chế quy mô phát triển của các quỹ ETF?
Theo kinh nghiệm quốc tế thì sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để các quỹ ETF trở thành kênh đầu tư phổ biến và hấp dẫn với các nhà đầu tư. Đặc biệt đối với thị trường Việt Nam, đây là loại hình quỹ mới, còn rất nhiều việc phải làm.
Chẳng hạn chúng ta cần thời gian để đào tạo và nâng cao nhận thức của các thành viên thị trường, nhà đầu tư về loại hình quỹ ETF, cơ chế hoạt động và vận hành của quỹ. Các thành viên thị trường và cơ quan quản lý cũng cần thời gian để phát hiện, khắc phục những khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, cơ chế vận hành để quỹ ETF có thể hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả.
Chúng tôi tin rằng kênh đầu tư vào quỹ ETF sẽ là một trong các kênh đầu tư phổ biến và hiệu quả cho các nhà đầu tư trong vài năm tới.
Quỹ ETF được xem là kênh đầu tư mới cho nhà đầu tư cá nhân, nhưng trên thực tế, thói quen đầu tư ở Việt Nam lại cho thấy các nhà đầu tư cá nhân ưa thích tự đầu tư hơn với tính chủ động cao. Vậy theo ông, sự khác biệt này có tạo khó khăn cho việc huy động vốn của các quỹ?
Chúng tôi lại cho rằng do thị trường không có các công cụ đầu tư bị động và độ an toàn cao, nên hoạt động tự đầu tư mới phát triển trong nhóm nhà đầu tư cá nhân. Điều rõ ràng là khi thị trường không có các sản phẩm đầu tư thụ động thì nhà đầu tư sẽ không có sự lựa chọn và thường có xu hướng tự đầu tư.
Chúng tôi cho rằng văn hóa ưa thích đầu tư chủ động của các nhà đầu tư cá nhân cũng sẽ thay đổi cùng với sự phát triển của thị trường khi có nhiều sản phẩm đầu tư mới đa dạng và linh hoạt hơn.
Quỹ ETF là một sản phẩm đầu tư rất mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dạng quỹ này có nhiều ưu điểm so với các sản phẩm đầu tư khác, như tính minh bạch cao hơn, giao dịch linh hoạt hơn, thanh khoản tốt, rủi ro thấp, chi phí thấp.
Do đó chúng tôi tin rằng quỹ ETF ra đời và phát triển sẽ góp phần thay đổi hành vi và văn hóa đầu tư của các nhà đầu tư vốn thiên về đầu tư chủ động, đồng thời thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư mới vốn là những cá nhân, tổ chức ưa thích các sản phẩm đầu tư thụ động, có độ an toàn cao.
Vậy loại hình quỹ ETF sẽ phù hợp nhất cho những loại hình nhà đầu tư nào? Điều gì sẽ thuyết phục được các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào quỹ dạng này?
Như đã nói ở trên, quỹ ETF có nhiều ưu điểm, trong đó đặc biệt là tính minh bạch, thanh khoản, rủi ro thấp và chi phí thấp. Trên thế giới, loại hình quỹ ETF thu hút được rất nhiều loại hình nhà đầu tư, cả cá nhân lẫn tổ chức.
Đối với nhà đầu tư tổ chức, các nguồn tiền cần chiến lược đầu tư rủi ro thấp như các quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm rất phù hợp với loại hình quỹ ETF. Các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài cũng có thể thông qua quỹ ETF trong nước để gián tiếp sở hữu các cổ phiếu đã hết room.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ chuyên môn để phân tích và lựa chọn cổ phiếu phù hợp cho hoạt động đầu tư. Mặc dù hoạt động đầu tư chủ động có thể đem lại lợi nhuận cao nhưng mức độ rủi ro cũng rất cao và trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư cá nhân khó chiến thắng được thị trường.
Các nhà đầu tư cá nhân không chuyên có thể đầu tư vào quỹ ETF để gián tiếp sở hữu một rổ cổ phiếu được chọn lựa, hạn chế được rủi ro trong khi vẫn có được mức lợi nhuận tốt. Ngoài ra, các chứng chỉ quỹ ETF được giao dịch hàng ngày trên sàn niêm yết cũng là một cơ hội đầu tư, đồng thời đem lại khả năng thanh khoản cao.
Các chỉ số khả dĩ tạo tham chiếu cho quỹ ETF hiện rất hạn chế với chỉ số VN30 và HNX30. Với hai quỹ ETF hiện có “tracking” hai chỉ số này, liệu còn “đất” cho các quỹ khác nữa hay không? Ông nghĩ, giải pháp nào để mở rộng hơn số lượng các quỹ ETF trong tương lai?
Đúng là có những hạn chế nhất định cho các công ty quản lý quỹ muốn thành lập quỹ ETF ở Việt Nam vì hiện lựa chọn chỉ số tham chiếu không nhiều.
Tuy nhiên trong thời gian đầu, quy mô của các quỹ ETF tham chiếu hai chỉ số VN30 và HNX30 không phải là lớn so với quy mô toàn thị trường. Chúng tôi cho rằng vẫn còn cơ hội cho các quỹ khác tham gia.
Cùng với thời gian, khi quỹ ETF trở thành kênh đầu tư hấp dẫn và phổ biến hơn thì rất cần có thêm các bộ chỉ số mới mang tính đại diện và thanh khoản cao hơn. Chẳng hạn bộ chỉ số kết hợp chứng khoán thành phần trên cả hai sàn hoặc các chỉ số được xây dựng và vận hành bởi các tổ chức chỉ số uy tín nước ngoài.
Theo vneconomy.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy