Dòng sự kiện:
EU lạc quan về khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng khu vực
25/03/2023 09:06:57
Ngày 24/3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) khẳng định lĩnh vực ngân hàng của châu Âu có khả năng phục hồi nhờ nguồn vốn mạnh và có tính thanh khoản cao.

Trong tuyên bố đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh thường kỳ, các nhà lãnh đạo EU cho biết Liên minh Ngân hàng châu Âu đã củng cố đáng kể khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng EU. Tuyên bố nhấn mạnh lĩnh vực ngân hàng của châu Âu hoạt động linh hoạt, "với vốn và khả năng thanh khoản mạnh mẽ".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, phát biểu sau hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định hệ thống ngân hàng châu Âu hoạt động "ổn định" nhờ thực hiện những quy tắc nghiêm ngặt trong những năm qua. Về tình hình tại ngân hàng Deutsche của Đức sau khi cổ phiếu của ngân hàng này giảm mạnh, ông cho rằng không có lý do gì phải lo lắng. Thủ tướng Scholz cho biết Deutsche Bank đã hiện đại hóa cách thức hoạt động và là một ngân hàng rất có lợi nhuận.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng cho rằng không có gì đáng lo ngại về sự ổn định kinh tế của châu Âu, đồng thời khẳng định hệ thống ngân hàng châu Âu có những nguyên tắc cơ bản "vững chắc".

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel cho rằng trong cuộc chiến chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không nên từ bỏ sớm việc tăng lãi suất.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại Viện Chính sách Kinh tế và Tiền tệ OMFIF ở Scotland, Chủ tịch Nagel cho biết, thời gian qua, ban lãnh đạo ECB đã thực hiện một bước ngoặt chưa từng có trong chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát tỷ lệ lạm phát. Chỉ trong vòng 9 tháng (từ tháng 7/2022), ECB đã 6 lần tăng lãi suất với tổng mức tăng là 350 điểm cơ bản. Tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ lạm phát ở Khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn ở mức 8,5% trong tháng 2 vừa qua, còn cách rất xa mục tiêu 2% của ECB. Do đó, cần phải giữ mức lãi suất đủ cao trong thời gian cần thiết để đảm bảo ổn định giá cả lâu dài.

Chủ tịch Nagel cho rằng nếu tình hình lạm phát của khu vực đồng euro diễn biến theo đúng dự báo (ở mức 5,3% trong năm nay), ECB không nên chấm dứt chuỗi thắt chặt chính sách tiền tệ, vì Eurozone vẫn chưa giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. Trong khi có những dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát của nền kinh tế toàn cầu đã giảm bớt thì áp lực giá cơ bản ở Eurozone tiếp tục là vấn đề rất đáng quan tâm. Đối với nền kinh tế Đức, Chủ tịch Bundesbank cho biết dựa trên các dữ liệu mới nhất, tỷ lệ tăng giá tiêu dùng năm 2023 có thể sẽ ở mức gần 6%.

Về tăng trưởng kinh tế, trong dự báo mới đây, Bundesbank cho rằng do lạm phát kéo dài, nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục đà suy giảm trong quý đầu tiên của năm 2023, nhưng với mức độ thấp hơn so với quý cuối cùng của năm 2022. Bundesbank cũng dự báo tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Đức sẽ giảm đáng kể trong tháng 3 này. Trước đó trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tác giả: Phan An - Vũ Tùng

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến