Dòng sự kiện:
EU thúc đẩy thỏa thuận chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn
09/06/2023 06:39:14
Theo nội dung thỏa thuận mong chờ, EU cho phép các nước không tiếp nhận người tị nạn, người di cư nếu không muốn, thay vào đó sẽ hỗ trợ nhân sự, tài chính và trang thiết bị cho những nước tiếp nhận.

Hình ảnh người di cư di chuyển tại khu vực gần sông Evros ở biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Nội vụ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/6 đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận về một thỏa thuận về chia sẻ trách nhiệm chăm sóc người tị nạn và di cư.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nhấn mạnh tầm quan trọng đạt được thỏa thuận sau nhiều năm đình trệ do nhiều ý kiến bất đồng.

Theo bà, là khối chung, chỉ khi phối hợp cùng nhau EU mới có thể giải quyết vấn đề người di cư. Bà cho rằng các nước đều có sự hiểu biết chung dẫn đến việc thống nhất một thỏa thuận.

Theo nội dung thỏa thuận được mong chờ, EU cho phép các nước không tiếp nhận người tị nạn, người di cư muốn đến châu Âu nếu không muốn, thay vào đó các nước này sẽ hỗ trợ nhân sự, tài chính và trang thiết bị cho những nước tiếp nhận.

Ngoài ra, thỏa thuận này sẽ bao gồm thủ tục biên giới cấp tốc cho những người được coi là không có khả năng được cấp quy chế tị nạn để ngăn họ nán lại bên trong khối trong nhiều năm trước khi phải rời đi.

Nội khối EU, các quốc gia phía Nam như Italy và Hy Lạp từ lâu đã yêu cầu có được nhiều sự giúp đỡ hơn, trong khi các nước Đức và Thụy Điển đã từ chối tiếp nhận tất cả những người đến.

Tây Ban Nha, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng cuối năm 2023, có trách nhiệm hoàn thiện thỏa thuận này. Bộ trưởng Nội vụ nước này cũng đã khẳng định "chắc chắn" có được thỏa thuận. 

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin bày tỏ hi vọng sự ra đời một thỏa thuận sẽ là lời đáp cho câu hỏi của dư luận về "vấn đề di cư” của khối trước cuộc bầu cử Quốc hội toàn khối sẽ diễn ra vào tháng 6 năm sau. 

Nhiều năm qua, các nước EU  vẫn đổ lỗi cho nhau trong việc xử lý vấn đề người di cư. Khối này cũng đã thúc đẩy cắt giảm số lượng người nhập cư trái phép. Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy năm ngoái có gần 160.000 người vượt biên bằng đường biển vào EU. 

Dự kiến trong cuộc họp ngày 8/6, các bộ trưởng sẽ thảo luận về viện trợ của EU cho Tunisia, một cửa ngõ cho người châu Phi di cư đến châu Âu và đang phải đối mặt với những bất ổn ngày càng tăng./.

Tác giả: Lan Phương

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến