EVN: Cả ba Genco đều lỗ
07/10/2014 14:17:45
ANTT.VN - Việc các Genco hoạt động hiệu quả sẽ tác động lên các nhà đầu tư, cho thấy ngành điện là ngành đầu tư có lãi, khi đưa cổ phiếu ra thị trường sẽ “bán được hàng”, EVN sẽ được giảm bớt áp lực đầu tư ngành điện. Nhưng điều này gần như bất khả thi trong thời điểm hiện tại.
Giữa năm 2012, EVN thành lập ba Tổng công ty phát điện theo mô hình công ty mẹ - công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ.Việc thành lập các Genco là nhằm mục tiêu tạo điều kiện cần cho việc hoạt động của thị trường điện cạnh tranh ở cấp độ bán buôn điện, nằm trong lộ trình tái cơ cấu và phát triển bền vững của EVN.

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu EVN chọn một Tổng công ty phát điện (Genco) hoạt động tương đối ổn định, chuẩn bị hồ sơ tiến tới thực hiện thí điểm cổ phần hóa trong năm 2014-2015. Theo đó, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV của EVN cho hay, EVN đã có kế hoạch xây dựng phương án cổ phần hóa các Genco trong năm 2014 này để tiến hành cổ phần hóa trong năm 2015 và theo hướng tiến hành cổ phần hóa đồng thời cùng lúc. Nhưng xem ra, so với tình hình hoạt động kinh doanh lúc này của 3 Genco thì việc cổ phần hóa đồng thời là chuyện khó xảy ra.

Cổ phần hóa các Genco đòi hỏi nhiều bên chung tay góp sức

Ngay từ ban đầu, các Genco được thành lập bằng cách nhóm các công ty, nhà máy phát điện của EVN lại, chuyển giao một loạt dự án vốn do EVN đầu tư, điều này gây khó khăn trong việc huy động vốn từ các nhà băng, thậm chí có chủ nợ không đồng ý việc chuyển giao công nợ từ EVN sang các công ty mới được thành lập.

Tính đến 31/3/2014, vốn chủ sở hữu ở Genco 1 là 13.858 tỷ đồng, Genco 2 là 10.272 tỷ đồng và Genco 3 là 12.327 tỷ đồng. Hiện tại, tỷ số nợ của cả 3 Genco đều ở mức nguy hiểm, chỉ có Genco 1 có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,98 còn tỷ lệ này ở Genco 1 là 4,08 và của Genco 3 là 6,37- một tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu quá cao so với nhiều tổng công ty nhà nước khác. Như vậy các Genco không chỉ vay khó mà trả nợ cũng không dễ dàng gì. Thực tế này sẽ khiến việc đầu tư các dự án nguồn điện bị ảnh hưởng nhất định, gây khó khăn cho tình hình kinh doanh, phương hướng phát triển của doanh nghiệp những ngày đầu.

Theo các báo cáo mà EVN đưa ra, việc mất cân bằng vốn ngành điện là khó khăn chung, chi phí cao nhưng giá thành chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố thị trường. Việc các Genco hoạt động hiệu quả sẽ tác động lên các nhà đầu tư, cho thấy ngành điện là ngành đầu tư có lãi, khi đưa cổ phiếu ra thị trường sẽ “bán được hàng”, EVN sẽ được giảm bớt áp lực đầu tư ngành điện.

Như vậy, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho phép EVN được tiếp tục hỗ trợ Genco 1 trả nợ gốc và lãi vay đến hạn của các hợp đồng tài trợ tín dụng vốn cho các dự án thuộc đơn vị này quản lý, đồng thời gia hạn trả nợ của các hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho các dự án thuộc Genco 1. Genco 1 đã đề nghị EVN làm việc với các tổ chức tín dụng và báo cáo Chính phủ cho phép vay dài hạn để hoàn trả các khoản vay trung và ngắn hạn cho các dự án mà trước đó EVN đã huy động vốn để đáp ứng tiến độ thi công.

Thêm vào đó, tình hình kinh doanh của các Genco thực sự không hấp dẫn được sự quan tâm của nhà đầu tư nếu đưa ra thị trường. Theo báo cáo tài chính năm 2013 thì các Tổng công ty phát điện đều có lãi, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Genco 1 là 305 tỉ đồng; của Genco 2 là 2.523 tỉ đồng và Genco 3 là 283 tỉ đồng nếu chưa tính khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá, nếu tính vào, cả 3 Genco đều lỗ. So với số vốn khổng lồ mà EVN đang đầu tư, thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu lại rất thấp, Genco 1 và 3 đạt 2,2%, chỉ có Genco 2 đạt 22,8%.

Xét trên các khía cạnh kinh doanh hiện tại của các Tổng công ty phát điện mà EVN đang sở hữu, việc tiến tới cổ phẩn hóa các Genco trong Đề án tái cơ cấu Tập đoàn điện lực giai đoạn 2012-2015 có lẽ khó thực hiện đúng dự định. Cùng với khó khăn mà chính Tập đoàn mẹ đang gặp phải, ngành điện Việt Nam sẽ vẫn còn cần sự quản lý sát sao của Nhà nước, Chính phủ trong thời gian dài tới.

Hoa Liên 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến