Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương phương án lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (2x600MW).
Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 gồm 2 tổ máy có quy mô công suất 2x600MW thuộc Trung tâm điện lực Quảng Trạch (Quảng Bình). Dự án ban đầu do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, nhưng sau đó PVN bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo chỉ đạo vào tháng 10/2016.
Phối cảnh dự án nhiệt điện Quảng Trạch I.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam tháng 9/2017 đã điều chỉnh và phê duyệt dự án, với tổng mức đầu tư là hơn 42 nghìn tỷ đồng.
Theo quy hoạch điện VII, kế hoạch phát điện Tổ máy số 1 và số 2 tương ứng là các năm 2021 và 2022.
Năm 2011, trong giai đoạn PVN làm chủ đầu tư dự án, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, PVN đã chỉ định và ký hợp đồng cho PVC làm tổng thầu mua sắm, lắp đặt, xây dựng và vận hành, chạy thử nhà máy.
Đến tháng 4/2012, PVN đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thay đổi Tổng thầu từ PVC thành liên doanh PVC - Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), trong đó PVC là nhà thầu đứng đầu liên danh.
Sau đó, trên cơ sở ý kiến các bộ ngành, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận cho liên danh PVC - Lilama làm tổng thầu thực hiện gói thầu EPC dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1, trong đó PVC là nhà thầu đứng đầu liên danh.
Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Sau hơn 4 năm, PVN vẫn chưa ký hợp đồng EPC với liên danh nhà thầu PVC - Lilama, dẫn đến dự án đã không thể triển khai theo tiến độ.
Cụ thể về năng lực tài chính, theo báo cáo của Deloitte, tính đến 31/12/2016 lỗ lũy kế của PVC khoảng 2.888 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 561 tỷ đồng và các vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán trong 12 tháng tới.
Về năng lực thực hiện và uy tín nhà thầu, hiện nay PVC đang thực hiện một số dự án mới với vai trò nhà thầu/hoặc nhà thầu đứng đầu liên danh nhưng các công trình trong PVC đang triển khai đều đang gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhiên liệu sinh học Dung Quất, nhiên liệu sinh học Phú Thọ…
Với dự án nhiên liệu Phú Thọ, PVC đơn phương dừng thi công, vi phạm hợp đồng EPC, gây hậu quả nghiêm trọng.
EVN cho rằng, năng lực và uy tín của PVC không thể đảm bảo là nhà thầu đứng đầu Liên danh Tổng thầu EPC. Thực tế sau 4 năm, PVN đã không thể ký hợp đồng tổng thầu EPC với Liên danh nhà thầu PVC-LILAMA.
Từ những yếu tố trên, EVN kiến nghị việc áp dụng lựa chọn nhà thầu theo quy trình thông thường là đấu thầu rộng rãi sẽ khó có thể đáp ứng tiến độ phát triển dự án theo quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Tập đoàn điện lực kiến nghị Chính phủ cho phép EVN áp dụng mô hình Tổng thầu EPC toàn bộ cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I.
Xuân Tùng (t/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy