Dòng sự kiện:
Eximbank chốt phương án tăng vốn điều lệ giữa bối cảnh lùm xùm tranh ghế Chủ tịch
26/07/2023 06:03:34
ximbank đã ban hành Nghị quyết chốt phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 để trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Đáng chú ý những lùm xùm tranh ghế Chủ tịch HĐQT của Eximbank vẫn chưa dứt, khi mới đây, nhóm đại diện cổ đông đã từng bầu bà Phương vào ghế Chủ tịch lại có văn bản đệ trình "hạ bệ" lần 2.

Trả cổ tức bằng cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã công bố thông tin bất thường về việc HĐQT ban hành Nghị quyết thông qua việc sửa đổi, bổ sung phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Số lượng dự kiến phát hành thêm là hơn 265 triệu cổ phiếu, mã EIB. Mức vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu sẽ tăng lên gần 17.500 tỷ đồng.

Mục đích của việc phát hành cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận để lại lũy kế các năm trước đến cuối năm 2021 và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ. Dự kiến, việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ sẽ hoàn thành trước ngày 31/10/2023 - thời điểm Eximbank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường, dự kiến thứ hai, ngày 18/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị GEM Center (quận 1).

Cùng với SMBC, nhóm cổ đông lớn là Tập đoàn Thành Công cũng đã rút vốn khỏi Eximbank vào thời điểm cuối năm 2022 và đầu 2023, hiện Eximbank không còn cổ đông lớn.

Theo Nghị quyết, tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và dự kiến sau khi tăng vốn sẽ không thay đổi, vẫn giữ mức 6,48%, tương đương gần 96 triệu cổ phiếu. Trong đó, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) sở hữu gần 33,5 triệu cổ phiếu, tương đương 2,26% vốn.

Trước đó, SMBC thông báo đã bán ra 132,8 triệu cổ phiếu EIB vào ngày 13/1/2023, giảm tỷ lệ sở hữu từ 15,07% (185,3 triệu cổ phiếu) xuống còn 4,27% (52,51 triệu cổ phiếu), và không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng. Đến nay, SMBC đã bán thêm 19 triệu cổ phiếu Eximbank, để duy trì mức 6,48% như hiện tại.

Theo thông tin PV có được, cùng với SMBC, nhóm cổ đông lớn là Tập đoàn Thành Công cũng đã rút vốn khỏi Eximbank vào thời điểm cuối năm 2022 và đầu 2023. Nguyên nhân quan trọng chính là vấn đề tranh giành quyền lực ở Eximbank và sau nhiều lần kiến nghị thanh lọc thành viên HĐQT Eximbank, tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bất thành, SMBC quyết định rút vốn khỏi ngân hàng này. Việc 2 nhóm cổ đông lớn này rút khỏi Eximbank đã ảnh hưởng rất lớn đến cục diện nhân sự “thượng tầng” của nhà băng này.

Ai nắm cổ phần nhà nước tại Eximbank?

Cũng theo Nghị quyết nêu trên, tính đến ngày 30/6, tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành của Eximbank là 1,5 tỷ cổ phiếu và ngân hàng không có cổ đông lớn, sau khi Tập đoàn Thành Công và SMBC rút vốn khỏi ngân hàng này.

Ở nhóm cổ đông Nhà nước hiện nắm giữ 5,07% cổ phần (tương đương gần 75 triệu cổ phiếu) của Eximbank, còn lại là cổ đông khác. Trong Nghị quyết, Eximbank không công bố chi tiết về cơ quan, đơn vị Nhà nước đang sở hữu cổ phần, tuy nhiên, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) từng thông báo nắm giữ 4,82% cổ phần ngân hàng này. Như vậy, Vietcombank khả năng đang là đơn vị nắm giữ cổ đông Nhà nước tại Eximbank.

Tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và dự kiến sau khi tăng vốn sẽ không thay đổi, vẫn giữ mức 6,48%, tương đương gần 96 triệu cổ phiếu.

Ngày 18/9 tới đây, Eximbank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm bầu bổ sung 2 Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) và các nội dung khác thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ. Chưa rõ 2 thành viên dự kiến bầu là ai nhưng chắc chắn là không xa lạ với giới thượng tầng Eximbank.

Đáng chú ý, trong văn bản công bố thông tin bất thường có “giao Chủ tịch HĐQT thành lập các ban, tổ khác để chuẩn bị/phục vụ cho công tác tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. Đồng thời, giao Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc thực hiện Nghị quyết này”.

Một diễn biến khác, mới đây, đại diện nhóm cổ đông là ông Trần Hoàng Ninh đã có văn bản đề nghị rút thành viên HĐQT Eximbank và bãi nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) lần 2, đối với bà Đỗ Hà Phương, Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Đại diện nhóm cổ đông là ông Trần Hoàng Ninh đã có văn bản đề nghị rút thành viên HĐQT Eximbank và bãi nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) lần 2, đối với bà Đỗ Hà Phương, Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Theo Văn bản trên thì: “Sau khi được đề cử, bà Đỗ Hà Phương đã không thực hiện nghiêm túc chức vụ đang đảm nhiệm, gây xáo trộn nghiêm trọng trong hoạt động của  Eximbank. Không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cũng như ý chí phát triển ngân hàng một cách minh bạch và ổn định của các cổ đông.

Chúng tôi xác định không yêu cầu và hoàn toàn bác bỏ việc bà Phương tự ý mời họp HĐQT, tự ý bỏ phiếu biểu quyết bầu Chủ tịch HĐQT, bỏ phiếu biểu quyết miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT và các biểu quyết khác tại ngày 28/6/2023. Hành vi của bà Phương có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm cổ đông về đề cử để trục lợi cho cá nhân do thực hiện công việc trái với ý chí dân sự và trái với quyền, lợi ích của cổ đông”.

Trên cơ sở đơn rút đề cử thành viên HĐQT đối với bà Đỗ Hà Phương ngày 30/6/2023, nhóm cổ đông của ông Ninh cho rằng, bà Phương “không đảm bảo điều kiện làm thành viên HĐQT của Eximbank do vi phạm Luật các Tổ chức tín dụng và Điều lệ ngân hàng”.

Tác giả: Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến