Dòng sự kiện:
Eximbank được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm hơn 2.400 tỷ đồng
13/09/2022 08:02:39
Sau hơn một thập kỷ cùng những biến động lớn trong thượng tầng, Eximbank sẽ tăng vốn từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo phương án đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán: EIB) mới đây đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ.

Theo đó, nhà băng này sẽ tăng thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Eximbank thực hiện việc phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật, bao gồm việc tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước sau khi tăng vốn.

Trước đó, đại hội đồng cổ đông thường niên của Eximbank đã thông qua việc phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỉ lệ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ nhận được số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận để lại năm 2017-2021.

Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay. Được biết, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức sau khi tất toán xong toàn bộ trái phiếu VAMC.

Hiện ngân hàng xuất nhập khẩu này có vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng và sau khi tăng vốn sẽ đạt tối đa 14.814 tỷ đồng.

Lần gần nhất Eximbank trả cổ tức là mức 4% bằng tiền mặt hồi giữa năm 2014. Trong khi lần tăng vốn gần nhất là mức thưởng cổ phiếu 17% hồi cuối năm 2011, tức cách đây đã hơn một thập kỷ.

Đến năm nay, Eximbank mới tổ chức thành công cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên, đánh dấu bước ngoặt mới tại nhà băng này. Bà Lương Thị Cẩm Tú, tân Chủ tịch HĐQT vừa được bầu tại cuộc họp cho biết, tình trạng "đấu đá nội bộ" đã kết thúc. Ở nhiệm kỳ VII (2020-2025), Hội đồng quản trị đề ra mục tiêu đặt lợi ích cổ đông và phát triển ngân hàng lên hàng đầu.

Theo báo cáo tài chính, Eximbank là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý II/2022 khi báo lãi trước thuế đạt 1.094 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, lợi nhuận Eximbank bứt lên được con số nghìn tỷ đồng chỉ trong nửa đầu năm.

Kết quả kinh doanh khởi sắc trong nửa đầu 2022 bước đầu khẳng định cho lời hứa đưa Eximbank trở lại quỹ đạo sau nhiều năm tụt hậu quá sâu của bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Eximbank.

Trong nửa đầu năm, chi phí hoạt động của nhà băng tăng 11% lên gần 1.500 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 35% xuống 290 tỷ đồng. Kết quả, Eximbank ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục 1.903 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này chỉ hơn 550 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 6, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này tăng 8,6% so với đầu năm còn số dư tiền gửi tăng nhẹ 3%. Tỉ lệ nợ xấu giảm từ 1,96% hồi đầu năm xuống còn 1,88%, chủ yếu do giảm dư nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ.

Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản Eximbank đạt 174.583 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,6% lên 124.528 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3% lên 141.495 tỷ đồng. Nợ xấu của Eximbank tăng 4,3% trong 6 tháng đầu năm lên 2.344 tỷ đồng.

Tác giả: Trần Thu Thảo

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến