Facebook thừa nhận với CNN tuần này rằng các ứng dụng được phát triển bởi công ty Mail.Ru Group đang bị xem xét. Việc này nằm trong cuộc điều tra mở rộng về tình trạng sử dụng sai dữ liệu người dùng Facebook sau bê bối Cambridge Analytica.
Cụ thể, trước đây, khi người dùng Facebook tương tác với một số ứng dụng bên thứ ba, nhà phát triển ứng dụng đó không những thu thập được dữ liệu về người dùng, mà còn cả dữ liệu về bạn bè của họ, bao gồm tên, giới tính, ngày sinh, địa chỉ, ảnh và những thứ mà họ "like".
Năm 2014, Facebook tuyên bố thay đổi chính sách và các nhà phát triển không thể tiếp cận thông tin về bạn bè của người dùng kể từ tháng 5/2015.
Tuy nhiên, cách đây hai tuần, trong 747 trang tài liệu giao cho Quốc hội Mỹ, Facebook tiết lộ rằng họ vẫn tạo điều kiện cho ít nhất 61 công ty, trong đó có Mail.Ru, tiếp tục được quyền truy cập những dữ liệu này sau thời hạn tháng 5/2015. Danh sách này còn có các công ty như hãng Internet AOL, dịch vụ giao hàng nhanh UPS hay ứng dụng hẹn hò Hinge.
Facebook lại gặp rắc rối vì dính líu tới công ty Nga. Ảnh minh họa: CNNMoney
Ime Archibong, Phó chủ tịch Facebook, khẳng định không tìm thấy bằng chứng nào thể hiện Mail.Ru đã khai thác một cách sai trái dữ liệu người dùng, nhưng thừa nhận cuộc điều tra vẫn đang diễn ra. Họ cũng không nói rõ số lượng dữ liệu mà Mail.Ru thu thập được là bao nhiêu hay có bất kỳ dữ liệu nào về công dân Mỹ hay không.
Mail.Ru đã phát triển hàng trăm ứng dụng Facebook, một vài trong số đó là ứng dụng dạng thử nghiệm và chưa từng được công bố. Tuy nhiên, Facebook cho biết chỉ có hai ứng dụng được gia hạn thêm hai tuần trong việc thu thập dữ liệu về bạn bè người dùng.
Facebook nói với CNN rằng họ đã liên hệ với Mail.Ru để phục vụ điều tra, trong khi Mail.Ru lại khẳng định Facebook chưa liên hệ với họ.
Thượng nghị sĩ Mark Warner cho rằng mối quan hệ giữa Facebook và Mail.Ru cần được điều tra sâu hơn.
Từ giữa tháng 3/2018, Facebook lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có sau khi giới truyền thông phát hiện vào năm 2015, mạng xã hội này đã để cho công ty Cambridge Analytica tiếp cận trái phép dữ liệu của 87 triệu người dùng. Số dữ liệu này được cho là có tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, khiến Zuckerberg phải ra điều trần trước cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong tháng 4.
Facebook cũng bị nghi ngờ đã không mạnh tay trong việc ngăn chặn những kẻ lừa đảo Nga phát tán thông tin sai lệch và nội dung gây chia rẽ trên nền tảng này.
Mark Zuckerberg, CEO Facebook đã yêu cầu công ty tiến hành điều tra về tình trạng dữ liệu người dùng bị sử dụng trái phép. Tuy vậy, Sandy Parakilas, một cựu nhân viên Facebook, cho hay: "Đáng tiếc, không có cách nào để Facebook biết hay kiểm soát được chuyện gì đã xảy ra với dữ liệu một khi nó đã bị thu thập khỏi máy chủ của họ, do đó không có cách nào để họ xác định được chúng có bị sử dụng sai trái hay không".
Mail.Ru được thành lập bởi tỷ phú Alisher Usmanov, người giàu nhất nước Nga và được cho là có quan hệ thân cận với điện Kremlin. Bên cạnh đó, Yuri Milner, cựu chủ tịch Mail.Ru, từng đầu tư 200 triệu USD để mua 2% cổ phiếu Facebook vào năm 2009 thông qua công ty của ông là Digital Sky Technologies và đầu tư thêm vài trăm triệu USD những năm sau đó.
Theo VnExpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy