Dòng sự kiện:
Fed lắng nghe bên ngoài: Tốt hơn cho ổn định kinh tế toàn cầu
28/07/2019 11:01:17
Nếu Fed vẫn chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 7 thì dường như triển vọng kinh tế toàn cầu đã trở thành một yếu tố lớn hơn tác động đến điều hành của Fed.

Kinh tế trong nước tốt, lãi suất vẫn bị cắt giảm

Trước lo lắng về sự rút lui của Mỹ khỏi thế giới, một tổ chức quan trọng của Hoa Kỳ - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - lại đang trở nên toàn cầu hơn bao giờ hết. Trong khi nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế Mỹ là đáng khen ngợi, thì một câu hỏi cũng đáng đặt ra là liệu nhiệm vụ này có bền vững hay không?

Vào tuần tới (ngày 30-31/7), các nhà hoạch định chính sách Fed sẽ có cuộc họp chính sách quan trọng. Mỗi cuộc họp chính sách của Fed luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nhưng nếu nhìn lại các yếu tố nội tại của kinh tế Mỹ hiện nay vốn đang ở trạng thái tốt thì cuộc họp chính sách lần này, theo lẽ thường, sẽ là tiếp tục những gì đang có và do đó sẽ không có quyết định thay đổi điều hành lớn nào diễn ra. Tuy nhiên, bởi kỳ vọng của thị trường ngày càng tăng, những biến động của kinh tế toàn cầu, cũng như những thông điệp mà chính Fed đưa ra gần đây về khả năng gần như chắc chắn cơ quan này sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất trong cuộc họp này, tính chất quan trọng của nó vì vậy tăng lên rất nhiều.

Yếu tố bên ngoài sẽ là lý do phù hợp để Fed giảm lãi suất

Trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 3,7% và đang ở gần mức thấp nhất trong 5 thập kỷ qua trong khi chi tiêu tiêu dùng sôi động và tăng trưởng kinh tế tổng thể của Mỹ tiếp tục duy trì đà mở rộng dài nhất trong lịch sử. Trong khi đó mặc dù lạm phát thấp có thể là nhân tố Fed sử dụng làm căn cứ để điều chỉnh lãi suất xuống nhưng thực ra điều đó cũng không có gì là mới, bởi tốc độ tăng lạm phát đã luôn nằm dưới mục tiêu 2% của Fed trong phần lớn thời gian kể từ khi được chính thức đưa ra năm 2012.

Bởi vậy, lý do thuyết phục nhất mà các quan chức Fed đưa ra là mối quan ngại về tăng trưởng chậm chạp ở bên ngoài, những khó khăn trong thương mại và những quan ngại tác động đến niềm tin kinh doanh. Bằng cách liên tục “trích dẫn” đến nền kinh tế toàn cầu, Fed dường như đang muốn tự “bổ sung” một nhiệm vụ mới cho mình – cơ quan vốn chỉ được Quốc hội Mỹ ấn định hai nhiệm vụ quan trọng duy nhất là việc làm tối đa và ổn định giá cả. Tuy nhiên, có rất ít sự xem xét công khai về hậu quả lâu dài mà sự thay đổi này có thể mang lại. Hàng loạt câu hỏi cần phải đặt ra: Điều gì sẽ xảy ra nếu tăng trưởng thế giới tăng tốc trong khi Hoa Kỳ suy yếu? Liệu Fed có phải tăng lãi suất trước e sợ tình trạng quá nóng ở bên ngoài có thể thúc đẩy hoạt động đầu cơ trong nước? Tất nhiên giả thiết đó dường như khó có thể xảy ra trong lúc này nhưng nếu có một biến cố quan trọng nào đó làm thay đổi theo hướng tồi tệ và khó khăn hơn thì rất khó để khôi phục hay cứu vãn tình hình trở lại như trước.

Tông giọng của Fed đồng điệu hơn với thế giới

Cho đến thời điểm hiện tại, đồng đô la vẫn có thể giúp Fed giữ vị trí “cảnh sát kinh tế toàn cầu”. Đồng bạc xanh vẫn là đồng tiền tệ dự trữ chi phối; hầu hết các giao dịch thương mại sử dụng đồng bạc xanh; và USD có sức nặng không thể bàn cãi trong phần lớn các giao dịch ngoại hối. Đó là những thực tế và thậm chí vai trò tổng thể của đồng USD có thể còn có nghĩa là những nỗ lực của Fed trong thúc đẩy tăng trưởng trên toàn thế giới sẽ mang lại tác dụng thực sự.

Nhưng cũng có một thực tế khác là thị phần của Mỹ trong sản lượng toàn cầu đang suy giảm, như Pierre-Olivier Gourinchas của Trường Kinh doanh Haas tại Đại học California đã lưu ý trong một bài trình bày tại Singapore vào tháng 5 vừa qua. Và điều đó rất có thể hàm nghĩa là vị thế trên của Fed sẽ giảm đi.

Trong quá khứ, Fed đã từng cân nhắc các yếu tố quốc tế và điều chỉnh chính sách của mình để đối phó. Điển hình là Fed đã có những phản ứng chính sách đối với các sự kiện lớn diễn ra trên thế giới như khủng hoảng tài chính ở Nga năm 1998 hay sự mất giá mạnh của đồng Nhân dân Tệ (NDT) của Trung Quốc trong năm 2015.

Những gì chúng ta thấy hiện nay là Fed đang đối phó với bất ổn trên toàn cầu theo một nghĩa tổng quát hơn. Ngay cả Judy Shelton, một nhân vật được ông Trump lựa chọn để tham gia Hội đồng Thống đốc Fed, cũng cho biết các điều kiện toàn cầu có thể sẽ khiến bà bỏ phiếu giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6 vừa qua nếu bà có mặt trong hội đồng, theo Washington Post. Quá nhiều ủng hộ cho một chính sách “Nước Mỹ trên hết”!

Nhìn chung, một Fed đồng điệu hơn với các nền kinh tế lớn khác trên toàn cầu là một điều tốt. Bởi xét cho cùng thì nếu một vấn đề nào đó xảy ra ở Trung Quốc hay châu Âu sẽ không chỉ ở lại trong Trung Quốc và châu Âu. Nên ít nhất là trong ngắn hạn, cách tiếp cận như vậy của Fed có thể tốt hơn cho sự ổn định kinh tế toàn cầu. Và chừng nào đồng đô la còn chiếm ưu thế, nhu cầu đối với các tài sản được hỗ trợ bởi đồng bạc này nhờ đó cũng sẽ ổn định hơn.

Sự phá giá của đồng NDT đã làm chậm quá trình thắt chặt của Fed trong giai đoạn 2015 – 2016. Đó cũng là một ví dụ cho thấy nhu cầu Fed phải chú ý hơn đến các tác động từ bên ngoài. Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu thực tế cũng đang bắt đầu chuyển đổi sang một thế giới đa tiền tệ, nơi đồng đô la suy yếu hơn trong khi đồng Euro và NDT tăng giá. Theo Gourinchas, việc sử dụng đồng NDT trong lập hóa đơn thương mại và thanh toán cũng như các giao dịch xuyên biên giới khác đã tăng mạnh trong thập kỷ qua. Những thay đổi như vậy sẽ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các NHTW trên toàn cầu, đặc biệt là tìm ra cách thức để chia sẻ trách nhiệm giữa Fed, NHTW Trung Quốc (PBoC) và NHTW châu Âu (ECB).

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến