Dòng sự kiện:
Fed lo ngại về việc hạ lãi suất quá sớm
22/02/2024 15:03:38
Theo biên bản cuộc họp ngày 30-31/1 vừa qua của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), phần lớn các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này lo ngại về những rủi ro của việc hạ lãi suất quá sớm...

... và nhìn chung Fed vẫn chưa chắc chắn về việc nên giữ lãi suất ở mức hiện tại trong bao lâu.

Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo cho biết hầu hết những người tham gia cuộc họp đều lưu ý rủi ro của việc nới lỏng lập trường chính sách quá sớm, và chỉ có một vài người đề cập đến rủi ro đối với nền kinh tế nếu duy trì lập trường thắt chặt quá mức trong thời gian quá dài.

Dù các quan chức Fed tin rằng lãi suất có thể được cắt giảm trong năm nay từ khoảng 5,25%-5,50% được duy trì từ tháng 7/2023, tuyên bố chính sách từ cuộc họp 31/1 vẫn thể hiện rất rõ rằng Fed cần tin chắc hơn về sự suy giảm của lạm phát trước khi bắt đầu hạ lãi suất. Biên bản này cho biết nhiều quan chức Fed vẫn lo ngại rằng đà giảm của lạm phát có thể chững lại nếu kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng như hiện tại.

Theo biên bản nói trên, Fed đã đề cập đến nhiều nguy cơ, từ những rủi ro đáng kể trong hệ thống tài chính Mỹ, trong đó tình trạng giá bất động sản thương mại sụt giảm, đến khả năng đà giảm của lạm phát có thể mất nhiều thời gian hơn dự đoán. Sau khi biên bản trên được công bố, giới đầu tư vẫn dự đoán Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng Sáu.

Biên bản này đã củng cố những thông điệp gần đây từ các quan chức Fed rằng họ sẽ không vội vàng hạ lãi suất, điều mà nhiều quan chức vẫn dự đoán sẽ diễn ra trong năm nay.

Trong một bình luận ngày 21/2, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Barkin đã thể hiện lo ngại về tình trạng lạm phát kéo dài trong ngành dịch vụ và nhà ở. Ông cho rằng số liệu được công bố kể từ cuộc họp gần đây nhất, trong đó cho thấy tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và lạm phát tăng cao hơn dự đoán, đã khiến cho khả năng hạ lãi suất trở nên “khó hơn”.

Theo số liệu được Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/2, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 1/2024 đã tăng cao hơn mức dự báo, giữa lúc chi phí thuê nhà và chăm sóc sức khỏe tăng lên, song chiều hướng gia tăng lạm phát nhiều khả năng không thay đổi kỳ vọng cho rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024.

Số liệu mới cho thấy CPI của nền kinh tế Mỹ trong tháng 1/2024 tăng 0,3%, sau khi tăng 0,2% hồi tháng 12/2023. Điều chỉnh hàng năm đối với dữ liệu CPI được công bố hôm 9/2 nhìn chung cho thấy lạm phát đang có xu hướng giảm sau khi tăng vọt trong năm 2022.

Đáng chú ý, trong tháng 1/2024, CPI của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trước đó, các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự báo CPI tăng 0,2% trong tháng 1/2024 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, mức tăng giá tiêu dùng hàng năm đã giảm mạnh so với mốc cao nhất là 9,1% hồi tháng 6/2022.

Mặc dù giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, song các biện pháp được Fed sử dụng cho mục tiêu duy trì lạm phát ở mức 2% đã được cải thiện đáng kể. Chiều hướng gia tăng Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã chậm lại ở mức hàng năm là 1,7% trong quý IV/2023, so với 2,6% trong quý III/2023. Trong khi đó, chỉ số giá PCE cốt lõi tăng 2,0%, không thay đổi so với quý III/2023.

Trong khi một số nền kinh tế lớn gặp khó khăn thì nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới vẫn đang tương đối ổn định. Cả kinh tế Nhật Bản và Anh đều suy giảm trong quý IV/2023. Với cả hai nước này, đây đều là quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm, đồng nghĩa với việc cả hai nền kinh tế lớn này đều đã rơi vào suy thoái. 

Tuy nhiên, tại Mỹ, nền kinh tế vẫn tiến lên phía trước trong quý IV/2023, đánh dấu quý thứ sáu tăng trưởng liên tiếp. Diễn biến này trái ngược với nhiều dự đoán được đưa ra hồi năm ngoái rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ khó tránh khỏi suy thoái vì tác động của lãi suất cao.

Nền kinh tế Mỹ có thể duy trì được thể trạng tốt như thế một phần lớn là nhờ chi tiêu hộ gia đình, yếu tố chiếm phần lớn nền kinh tế nước này, vẫn mạnh mẽ bất chấp nhiều thách thức. Chính sách kích thích của chính phủ đã giúp các hộ gia đình vượt qua giai đoạn đầu của đại dịch và sự leo thang của lạm phát. Và giờ đây, sự gia tăng tiền lương đang giúp họ ứng phó với tình trạng giá hàng hoá và dịch vụ cao. 

Báo cáo được công bố ngày 15/2 cho thấy có ít người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu hơn trong tuần trước. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn rất khoẻ mạnh, bất chấp làn sóng sa thải gây chú ý trong thời gian gần đây. Sự vững mạnh của thị trường lao động đang góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều nguy cơ, và giới chuyên gia cho rằng vẫn chưa thể loại bỏ nguy cơ suy thoái. Lạm phát có thể tăng trở lại. Những lo ngại về khối nợ lớn của Chính phủ Mỹ có thể chi phối các thị trường tài chính, từ đó dẫn đến các khoản vay để mua ô tô và các tài sản khác trở nên đắt đỏ hơn. Ngoài ra, tình trạng thua lỗ gia tăng liên quan đến lĩnh vực bất động sản thương mại có thể là một vấn đề lớn đối với hệ thống tài chính.

Theo một khảo sát mới đây của ngân hàng Morgan Stanley, ứng phó với lạm phát vẫn là mối lo ngại hàng đầu của người tiêu dùng Mỹ, ngoại trừ những người có thu nhập hơn 150.000 USD.

Tác giả: Khánh Ly 

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến