Dòng sự kiện:
Fed 'mất thiêng' với tỉ giá tiền đồng?
18/12/2017 19:01:59
Hai ba năm trở lại đây, các động thái điều hành lãi suất USD của Fed được thế giới, trong đó có Việt Nam theo dõi chặt chẽ, bởi các động thái này thường gây những biến động lên tỉ giá các đồng nội tệ của mình.

Lãi suất USD tác động lên tỉ giá các đồng nội tệ, nói đơn giản, là bởi khi lãi suất USD tăng sẽ có xu hướng làm tăng dòng vốn chảy từ các thị trường khác ngoài Mỹ về Mỹ để hưởng lãi suất cao hơn, dẫn đến áp lực gia tăng lên tỉ giá các đồng nội tệ.

Tuy vậy, những lần nâng lãi suất của Fed trong năm 2017 (tháng 3, 6, và 12) dường như không gây ra tác động đáng kể lên tỉ giá tiền đồng của Việt Nam, không như kỳ vọng từ lý thuyết. Như được thể hiện ở Biểu 1 mô tả diễn biến tỉ giá tiền đồng dưới đây, tỉ giá tiền đồng khá ổn định, chỉ dao động trong biên độ hẹp trong suốt cả năm. Kể cả vào những thời điểm Fed nâng lãi suất USD, tỉ giá tiền đồng cũng chỉ dao động mạnh (nếu có) trong một thời gian rất ngắn, tính bằng ngày, rồi lại nhanh chóng quay trở về mức cân bằng trên 22.700 một chút.

Biểu 1: Tỷ giá VND/USDNguồn: xe.com

Các yếu tố nâng đỡ tỉ giá tiền đồng

Cần lưu ý rằng tác động của việc nâng lãi suất USD lên tỉ giá nội tệ theo lý thuyết nói ở phần đầu chỉ đúng khi các điều kiện khác không thay đổi. Ở Việt Nam, thay đổi đáng kể trước tiên có thể thấy là luồng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) vào Việt Nam đã tăng mạnh trong năm nay so với các năm trước đó, đóng vai trò là một trong những nguồn cung USD chủ chốt ở Việt Nam.

Thay đổi thứ hai là sự xuất siêu đã trở nên một xu hướng vững chắc song hành với sự gia tăng xuất khẩu mạnh mẽ của những doanh nghiệp FDI thành công như Sam Sung, góp một phần lớn trong con số xuất siêu hơn 3 tỷ USD tính đến nay. Xuất siêu cũng có nghĩa là nguồn cung USD ở Việt Nam được bổ sung đáng kể so với các năm trước.

Một yếu tố không kém phần quan trọng trong việc nâng đỡ tỉ giá tiền đồng là xu hướng yếu đi của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới (Biểu 2).

Nguồn: Bloomberg

Do tỉ giá tiền đồng được điều hành theo xu hướng giữ ổn định nên sự mất giá của USD so với các đồng tiền khác vô hình trung làm cho tiền đồng cũng suy yếu tương ứng so với các đồng tiền khác. Sự suy yếu này có tác dụng tích cực trong việc duy trì tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam vào những thị trường này, không những có thể là một yếu tố đằng sau con số xuất siêu hơn 3 tỷ USD nói trên mà còn có ý nghĩa tích cực ở khía cạnh rằng tiền đồng không phải chịu sức ép phá giá lớn để duy trì tính cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam ở thị trường nội địa cũng như thị trường xuất khẩu như những năm trước đây khi tiền đồng lên giá thực so với USD và các đồng tiền khác ít nhất bởi lạm phát ở Việt Nam cao hơn đáng kể các nước đối tác thương mại của mình.

Ngoài ra, bản thân sự nâng lãi suất USD một cách rất thận trọng, mỗi lần chỉ 0,25 điểm phần trăm với giãn cách lớn hàng nhiều tháng giữa các lần nâng tự thân nó cũng là một yếu tố làm giảm thiểu tác động, nếu có, lên tỉ giá nội tệ các nước khác, trong đó có tiền đồng.

Sau cùng, dù Chính phủ mong muốn giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng các ngân hàng vẫn không thể làm được, thậm chí nhiều ngân hàng thương mại trong nhiều thời điểm đã tăng lãi suất huy động lên đáng kể, và đợt nâng lãi suất gần đây nhất chỉ diễn ra mấy ngày trước khi Fed nâng lãi suất trong tuần này. Lãi suất tiền đồng tăng cũng đã góp một phần không nhỏ vào sự ổn định của tỉ giá tiền đồng.

Vẫn sẽ “thiêng” nếu…

Phân tích những yếu tố tích cực nâng đỡ tỉ giá tiền đồng như trên không có nghĩa là đi đến kết luận rằng Fed sau này có nâng lãi suất USD lên bao nhiêu chăng nữa thì Việt Nam vẫn có thể yên tâm về sự ổn định của tỉ giá tiền đồng.

Như đã nói ở trên, có cả những yếu tố tích cực khách quan và chủ quan hậu thuẫn cho sự ổn định của tỉ giá tiền đồng trong cả năm 2017. Nếu những yếu tố này thay đổi, hoặc kể cả không thay đổi, thì hành động tăng lãi suất USD của Fed với mức lớn và tần suất dày chắc chắn sẽ gây tác động bất ổn lên tỉ giá tiền đồng. Để chống đỡ các cơn bất ổn tỉ giá, NHNN sẽ hoặc phải can thiệp trực tiếp vào cung cầu USD và/hoặc phải để lãi suất tăng nhằm giảm tỏa áp lực lên tỉ giá (nếu coi ổn định tỉ giá là ưu tiên hàng đầu), một khi hoàn cảnh không còn thuận lợi như trong năm 2017 nữa.

Điều rút ra ở đây, theo tác giả, là không nên chủ quan với những tác động từ bên ngoài như thế này lên tỉ giá với những lập luận, ví dụ, việc Fed nâng lãi suất USD đã được dự báo, dự phòng từ trước và đã được phản ánh vào tỉ giá, lãi suất v.v… Những tác động tiêu cực ngoại lai bình thường sẽ có thể là không đáng kể nhưng sẽ được nhân lên đáng kể khi nền kinh tế vĩ mô chẳng may có những bất như từng xảy ra.

Theo Thời đại

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến