Dòng sự kiện:
Fed mở rộng hoán đổi USD với 9 ngân hàng trung ương nước ngoài
23/03/2020 10:22:01
Trong đó hạn mức cho mỗi ngân hàng trung ương Đan Mạch, Na Uy và New Zealand là 30 tỷ USD; 6 ngân hàng trung ương còn lại có hạn mức 60 tỷ USD.

Fed mở rộng hoán đổi USD với các ngân hàng trung ương nước ngoài

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thiết lập các dòng hoán đổi đồng USD tạm thời với 9 ngân hàng trung ương nữa, mở rộng chương trình đã được triển khai trong thời kỳ khủng hoảng tài chính để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế do virus SARS-CoV-2(covid-19) gây ra.

9 ngân hàng trung ương mới đạt được thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Mỹ là của các nước Úc, Brazil, Đan Mạch, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore và Thụy Điển. Theo đó, Fed sẽ cung cấp USD cho ngân hàng trung ương khác trong hạn mức thỏa thuận để đổi lấy bản tệ của nước đó theo tỷ giá hiện hành, và sẽ đổi ngược lại trong một thời điểm ấn định trong tương lai tại cùng mức tỷ giá.

Fed cho biết các giao dịch hoán đổi sẽ kéo dài trong ít nhất là 6 tháng tới và khai thác tổng cộng 450 tỷ USD để đảm bảo hệ thống tài chính phụ thuộc vào đồng USD trên thế giới tiếp tục hoạt động. Trong đó hạn mức cho mỗi ngân hàng trung ương Đan Mạch, Na Uy và New Zealand là 30 tỷ USD; 6 ngân hàng trung ương còn lại có hạn mức 60 tỷ USD.

Các quốc gia này đã được tham gia hoán đổi trong cuộc khủng hoảng 2007 đến 2009 và Fed có các thỏa thuận hoán đổi vĩnh viễn với các ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản, châu Âu và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.

Trụ sở chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed

Việc mở rộng các thoả thuận hoán đổi đôla cho phép các ngân hàng trung ương nước ngoài đáp ứng nhu cầu của các công ty và tổ chức tài chính đang đổ xô vào đồng đôla khi hệ thống thanh toán toàn cầu đang bị căng thẳng nghiêm trọng do coronavirus. Đây là bước mới nhất trong một loạt các bước khẩn cấp mà Fed đã thực hiện kể từ Chủ nhật để cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu.

Hiện nhu cầu đồng USD đang tăng cao tại các thị trường bên ngoài biên giới Hoa Kỳ, trong khi nguồn cung lại khan hiếm. Điều đó đã khiến chi phí tài trợ bằng đồng đôla tăng vọt và dẫn đến sự tăng giá kỷ lục của đồng bạc xanh so với các loại tiền tệ khác. Chỉ số USD đã tăng hơn 7% trong 8 phiên và đã vượt qua ngưỡng 100 điểm từ giữa tuần trước, một diễn biến chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1990.

“Các dòng hoán đổi mới giống như những dòng đã được thiết lập giữa Fed và các ngân hàng trung ương khác, được thiết kế để giúp giảm bớt các căng thẳng trên thị trường tài trợ bằng đôla Mỹ toàn cầu, do đó giảm thiểu tác động của sự căng thẳng trong việc cung cấp tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, cả trong nước và ở nước ngoài”, Fed nói trong một tuyên bố.

Ý nghĩa của hoán đổi tiền tệ

Có lẽ việc hoán đổi tiền tệ này vẫn còn là điều mới mẻ với nhiều người. Đối với Mỹ, việc Fed hoán đổi USD để lấy đồng bản tệ của các nước khác là điều khó hiểu, vì người Mỹ đâu có cần ngoại tệ của các nước khác, nhất là trong lúc thế giới bị gián đoạn, chìm trong nguy cơ khủng hoảng?

Ngược lại, trong số 14 nước mà Mỹ thực hiện hoán đổi tiền tệ nêu trên có nhiều nước có quỹ dự trữ ngoại hối lớn, được cho là đủ sức sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ nếu cần. Vậy tại sao các nước này vẫn cần phải hoán đổi tiền tệ với Mỹ để lấy USD?

Thực ra, việc hoán đổi tiền tệ này là có lợi cho cả 2 bên. Với Mỹ, việc hoán đổi tiền tệ (cung cấp USD cho đối tác) là nhằm để, trên hết, bảo vệ quyền lợi của, giảm rủi ro cho nước Mỹ, nếu căn cứ vào cách lý giải của Fed (1).

Việc Mỹ cung cấp USD cho nước khác sẽ giúp làm giảm áp lực lên các thị trường tài chính và nền kinh tế nước ngoài, từ đó làm giảm khó khăn cho những ngân hàng toàn cầu có hoạt động ở các nước bản địa lẫn ở Mỹ. Nhờ vậy, hoạt động cấp vốn của những ngân hàng này cho các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Mỹ sẽ ít bị rủi ro gián đoạn hơn, và tức là việc hoán đổi tiền tệ cũng giúp ổn định cho chính nước Mỹ.

Việc Mỹ cung cấp thanh khoản USD cần thiết cho các nước đối tác còn giúp giảm thiểu rủi ro làm nổ ra và lan truyền khủng hoảng tài chính toàn cầu vốn sẽ làm thiệt hại cho cả các thị trường và nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, căng thẳng cung cầu USD sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm năng tăng trưởng của các nước đối tác của Mỹ, cũng tức là ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Mỹ sang các thị trường này.

Ngược lại, với các nước khác, tuy dự trữ ngoại tệ có dồi dào đến mấy nhưng một khi suy thoái, khủng hoảng kinh tế hoặc một biến cố lớn nào đó nổ ra thì thực tế cho thấy không có mấy ngân hàng trung ương nào có thể tự tin trụ vững trước áp lực cung ứng đầy đủ USD với tư cách là tài sản an toàn cho thị trường mà không gây ra những xáo trộn, đổ vỡ lớn trong hệ thống tài chính. Đây là lý do vì sao mà ngay cả những nước phát triển có quỹ dự trữ ngoại hối lớn như Nhật và châu Âu vẫn phải duy trì hạn mức hoán đổi tiền tệ với Mỹ.

Khánh Linh (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến