“Các hành động chính sách của chúng tôi hoạt động thông qua các điều kiện tài chính”, đó là phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào cuối năm ngoái khi đề cập đến mối quan hệ nhân quả của chính sách tiền tệ. Khi lãi suất tăng, điều kiện tài chính thắt chặt hơn khiến các công ty và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, khiến nền kinh tế suy thoái và lạm phát thấp hơn. Và nền kinh tế 10 ngày qua đã minh họa một chuỗi nhân quả ít được mong đợi hơn: từ lãi suất cao hơn đến khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng.
Những điều kiện tài chính đầy sóng gió này đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Fed. Fed có nên tiếp tục tập trung vào lạm phát cao, và do đó tiếp tục tăng lãi suất? Hay ổn định tài chính bây giờ là ưu tiên hàng đầu?
Vào ngày 22/3 tại cuộc họp chính sách tiền tệ thường kỳ, các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra quyết định về lãi suất. Trước tình trạng hỗn loạn bắt đầu với việc tiền gửi bị rút hàng loạt khỏi Silicon Valley Bank (SVB), lần tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp vẫn là một khả năng. Đã có nhiều cuộc tranh luận là liệu Fed sẽ chọn tăng lãi suất 25 hay 50 điểm cơ bản. Bây giờ có sự không chắc chắn về việc liệu Fed có tăng lãi suất hay không. Thị trường đang định giá xác suất khoảng 60% cho mức tăng 25 điểm cơ bản và 40% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất.
Đầu tiên, lãi suất cao hơn là gốc rễ của sự hỗn loạn tài chính. Ngay cả khi SVB là một ngoại lệ vì đó là sai lầm của chính ngân hàng, thì các ngân hàng và công ty tài chính khác từ các quỹ phòng hộ cho đến công ty bảo hiểm đều có những khoản lỗ nặng nề so với thị trường đối với việc nắm giữ trái phiếu. Việc tăng lãi suất hơn nữa có thể làm tăng thêm khoản lỗ danh nghĩa của các trái phiếu mà họ nắm giữ.
Thứ hai, sự bất ổn là lực cản đối với nền kinh tế. Khi niềm tin rạn nứt, các công ty cố gắng bảo toàn vốn. Các ngân hàng cho vay ít hơn và các nhà đầu tư rút lui. Các biện pháp đo lường điều kiện tài chính bao gồm lãi suất, chênh lệch tín dụng và giá trị cổ phiếu đã thắt chặt mạnh mẽ trong 10 ngày qua.
Eric Rosengren, cựu chủ tịch chi nhánh Boston của Fed đã so sánh những gì vừa diễn ra với hậu quả của một trận động đất. Trước khi tiếp tục cuộc sống bình thường, cần thận trọng xem liệu có dư chấn hay không và các tòa nhà có vững chắc về mặt cấu trúc hay không. Logic tương tự cũng được áp dụng cho chính sách tiền tệ sau một cú sốc tài chính. “Hãy đi chậm, kiểm tra các vấn đề khác”, ông Rosengren cảnh báo.
Những người ủng hộ thúc đẩy tăng lãi suất chấp nhận rằng bất ổn tài chính là một hình thức thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhưng họ xem đây là lý lẽ để tăng 25 điểm cơ bản thay vì 50 điểm cơ bản như nhiều người đã ủng hộ. Việc kiên trì tăng lãi suất bây giờ sẽ báo hiệu rằng Fed vẫn có ý định kiềm chế lạm phát. Những dấu hiệu phục hồi trong ngành bất động sản chỉ ra rằng, không giống như các ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, phần lớn nền kinh tế có thể phải chịu lãi suất cao hơn.
Việc tăng lãi suất cũng sẽ chứng tỏ rằng Fed có thể làm hai việc cùng một lúc. Trong một thế giới lý tưởng, các quan chức có thể quản lý sự ổn định tài chính trong khi vẫn kiểm soát được lạm phát. Với sự kết hợp của bảo đảm tiền gửi, cơ sở thanh khoản mới và sự hỗ trợ từ các ngân hàng lớn hơn, một khuôn khổ hiện đã sẵn sàng để củng cố các tổ chức tài chính của Mỹ.
Quy mô của các biện pháp hỗ trợ được tiết lộ bởi quy mô mở rộng trong bảng cân đối kế toán của Fed. Trong tuần từ ngày 9/3 đến 15/3, các ngân hàng đã vay gần 153 tỷ USD từ cửa sổ chiết khấu của Fed, tăng từ mức dưới 5 tỷ USD trong tuần trước đó, cũng như 11,9 tỷ USD khác từ cơ sở thanh khoản mới của ngân hàng trung ương. Điều này đã làm giảm bớt tình trạng bán tháo trên thị trường, ít nhất là vào thời điểm hiện tại và có thể giúp Fed có không gian để chuyển sự chú ý của thị trường trở lại vấn đề lạm phát. Chúng ta có thể nhìn vào ví dụ về Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thông báo tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 16/3 bất chấp sự hỗn loạn trên thị trường tài chính.
Sau cùng là câu hỏi về tâm lý thị trường vì đây là yếu tố nổi bật hơn tất cả vào thời điểm hoảng loạn. Việc tăng lãi suất có thể phần nào trấn an thị trường trong khi việc tạm dừng tăng lãi suất cho thấy rằng Fed đang thực sự đang lo lắng về nền kinh tế. Ngược lại, sự gia tăng của lãi suất sẽ báo hiệu rằng Fed nghĩ rằng cuộc khủng hoảng đang được kiểm soát.
Về mức độ tăng lãi suất sẽ có ảnh hưởng không đáng kể. Fed dự kiến sẽ giữ mục tiêu lãi suất ngắn hạn trong khoảng từ 4,5% đến 4,75% hoặc nâng lên từ 4,75% đến 5%. Về mặt tài chính thuần túy, điều đó gần như không quan trọng và về mặt chính sách cũng tương tự.
Tác giả: Hạc Hiên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy