Dòng sự kiện:
Fed tăng lãi suất, vốn ngoại có tháo chạy?
20/12/2021 12:25:13
Tỷ giá và thị trường chứng khoán là hai thị trường dự đoán sẽ chịu nhiều tác động nhất khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào năm tới.

Fed nâng lãi suất có thể đẩy tỷ giá ở Việt Nam tăng theo dù áp lực với tỷ giá năm tới không lớn do kinh tế Việt Nam đang phục hồi, lạm phát thấp, cung - cầu ngoại tệ ổn định, cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư. Ảnh: Đức Thanh

Lãi suất, tỷ giá: Thế giới tăng, Việt Nam giảm

Cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương Anh thông báo nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ khi Covid-19 xảy ra, từ 0,1% lên 0,25%/năm. Trong khi đó, khả năng Fed tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022 gần như là chắc chắn. Lạm phát cao kỷ lục khiến Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu siết chặt chính sách tiền tệ.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, chính sách tăng lãi suất của Fed và một số quốc gia trên thế giới sẽ có tác động nhất định tới nền kinh tế Việt Nam, trước hết là tỷ giá.

Fed nâng lãi suất sẽ khiến USD tăng giá trong ít nhất nửa đầu năm tới, đẩy tỷ giá ở Việt Nam tăng theo. Dù vậy, chuyên gia này cho rằng, áp lực với tỷ giá năm tới sẽ không lớn, do kinh tế Việt Nam đang phục hồi, lạm phát thấp, cung - cầu ngoại tệ ổn định, cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư.

Đồng tình với nhận định này, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Ngoại hối (Ngân hàng VIB) cho rằng, năm 2022, lạm phát của Việt Nam có thể tăng, song không lớn, trên cơ sở nền lạm phát thấp năm 2021. Hơn nữa, Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia đang ở mức cao kỷ lục, cùng cán cân thương mại tiếp tục thặng dư năm 2021 sẽ củng cố giá trị đồng nội tệ. Năm 2021, VND tăng giá khoảng 1% so với USD, giúp Việt Nam giảm bớt ảnh hưởng của nhập khẩu lạm phát.

“Do VND tăng giá so với USD, nên lãi suất năm 2022 khó bật lên mạnh. Tôi dự báo, lãi suất năm tới chỉ đi ngang hoặc đi xuống tiếp”, ông Trung nhận định.

Theo phân tích của giới chuyên gia, sang năm 2022, lạm phát ở nước ta sẽ tăng lên, song chưa đến mức đáng lo. Ngay cả khi Fed tăng lãi suất, lạm phát trong nước cũng sẽ ở mức dưới 3%, do đó, lãi suất và tỷ giá sẽ tương đối ổn định. Dù vậy, về dài hạn, tỷ giá sẽ là yếu tố cần phải dè chừng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, USD đang tăng giá, khiến đồng nội tệ nhiều quốc gia mất giá. Tuy nhiên, tình hình này sẽ sớm đảo chiều.

“Hiện nay, lạm phát cầu kéo (lạm phát do bơm tiền) chưa tác động vào giá trị USD, do vòng quay của đồng tiền thấp. Tuy nhiên, chắc chắn tác động này sẽ xảy ra, khiến USD mất giá trong tương lai. Khi đó, các quốc gia sẽ phải phá giá đồng tiền để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Điều này sẽ tác động đến tỷ giá nước ta. Dù vậy, do tăng trưởng tín dụng năm tới vẫn được kiểm soát, các gói hỗ trợ bơm tiền dự báo không nhiều, nên tôi cho rằng, áp lực lạm phát thời gian tới là không lớn. Trong hoàn cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ ổn định tương đối tỷ giá và lãi suất, bất chấp thị trường thế giới biến động ra sao”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Vốn ngoại có đảo chiều?

Ngoài tác động đến tỷ giá, khi Fed tăng lãi suất, bị tác động nhiều nhất được dự đoán là thị trường chứng khoán. Theo TS. Cấn Văn Lực, Fed tăng lãi suất có thể khiến vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài “đảo chiều”. Các nhà đầu tư ngoại có thể sẽ rút vốn từ thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam) để chuyển sang thị trường Mỹ, châu Âu nhằm tận dụng lãi suất cao.

Dragon Capital có nhiều quỹ lớn, nhỏ khác nhau. Về cơ bản, các quỹ lớn của Dragon Capital không hề rút tiền ra khỏi thị trường Việt Nam. Với một số quỹ nhỏ, từ đầu năm đến nay, chúng tôi vẫn nhận được lượng tiền vào ròng của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư châu Á, như Đài Loan, Hàn Quốc… Điều này khẳng định niềm tin của Dragon Capital vào thị trường Việt Nam.

Bà Phạm Thùy Dương, Phó giám đốc Bộ phận Phân tích của Quỹ Dragon Capital

Cũng dự báo về khả năng này, song TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, nguy cơ xảy ra là không cao.

“Fed tăng lãi suất sẽ khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm, kéo theo sự suy giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu. Thực tế, thị trường chứng khoán Mỹ đã rục rịch giảm điểm từ khi có tin Fed sắp giảm lãi suất. Trong nước, nhà đầu tư ngoại cũng bán ròng gần 1 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhà đầu tư ngoại chỉ chốt lời sau một thời gian hưởng lợi từ ‘dòng tiền điên’ đổ vào chứng khoán.

Tôi cho rằng, nhà đầu tư ngoại không rút khỏi thị trường Việt Nam, mà vẫn ‘treo’ số tiền này trong tài khoản, chờ thị trường giảm điểm. Dĩ nhiên, không loại trừ khả năng khối ngoại rút tiền về nước nếu lãi suất tăng, song khả năng họ ở lại thị trường Việt Nam lớn hơn, bởi vì nhà đầu tư biết rõ tiềm năng của thị trường”, ông Nghĩa nói.

Theo chuyên gia này, thị trường chứng khoán đang rất nóng, lòng tham đang như lớp băng mỏng che mờ nỗi sợ hãi. Nhưng khi lớp băng này bị phá vỡ, một số nhà đầu tư sẽ tháo chạy, thị trường tự tái cấu trúc… Khi đó, vốn ngoại quay lại mua ròng.

Thực tế, các chuyên gia kinh tế cũng không quá lo ngại về sự rút lui của vốn ngoại, nhất là khi nhà đầu tư nội đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Phát triển khách hàng tổ chức (Công ty Chứng khoán SSI) cho hay, hầu hết các quỹ ngoại bán mạnh thời gian qua là các quỹ đã có thời gian dài đầu tư vào Việt Nam và việc rút khỏi thị trường mới nổi là xu hướng chung của các quỹ này. Tuy nhiên, ngoài động thái chốt lời của các quỹ này, thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến sự vào ròng của các quỹ mới, nhất là các quỹ từ Đài Loan, Hàn Quốc.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung vẫn rất tiềm năng với nhà đầu tư ngoại. Chính vì vậy, bán ròng chỉ đơn thuần là động thái chốt lời và dòng tiền lớn vẫn tiếp tục ở lại thị trường Việt Nam, ngay cả khi Fed tăng lãi suất vào năm tới.

Tác giả: Hà Tâm

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến