Trong một báo cáo công bố hôm 24/2 mới đây, một số chuyên gia kinh tế đã phát hiện ra rằng trong hơn 16 chiến dịch tăng lãi suất trước đây kể từ năm 1950 của các ngân hàng trung ương Mỹ, Đức, Canada và Anh, không có trường hợp nào lạm phát giảm đáng kể mà không kèm theo suy thoái.
Theo CNBC, các nhà nghiên cứu này gồm GS Stephen Cecchetti của trường Kinh doanh Brandeis (Mỹ), ông Michael Feroli - nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng J.P. Morgan và GS Frederic Mishkin của trường Kinh doanh Columbia, cựu thành viên Hội đồng thống đốc của Fed.
Các chuyên gia nhận định Fed khó có thể đưa lạm phát về mức mục tiêu mà không gây ra suy thoái kinh tế. Ảnh: CNBC.
Ít nhất phải chịu suy thoái nhẹ
Cụ thể, những dự báo kinh tế mà Fed đưa ra trong thời gian gần đây đều cho rằng mức lạm phát của Mỹ sẽ xuống còn 2,1% vào cuối năm 2025, trong khi nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng xuyên suốt và tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng lên khoảng 4,6%.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết những dự báo này đã quá "nhẹ nhàng" và nếu Fed muốn đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% vào năm 2025, nền kinh tế Mỹ ít nhất phải trải qua một cơn suy thoái nhẹ.
Họ cho rằng có lẽ vì quá tự tin vào khả năng kiểm soát lạm phát trong thời gian gần đây nên Fed đã mắc một lỗi nghiêm trọng là không tăng lãi suất “phủ đầu” khi lạm phát bắt đầu tăng tốc vào năm 2021.
Theo ước tính trong bài nghiên cứu, lãi suất chính sách của Fed có thể phải tăng lên mức đỉnh khoảng 5,6% trong năm nay - cao hơn mức 5,1% mà các quan chức Fed dự đoán hồi cuối năm ngoái. Và kể cả thế thì các chuyên gia dự đoán lạm phát Mỹ sẽ chỉ giảm xuống mức 3,7% vào cuối 2025.
Các tác giả của báo cáo cho rằng đến một lúc nào đó, Fed sẽ buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa tăng lãi suất lên mức cao hơn hoặc từ bỏ chế ngự lạm phát. Và nếu ngân hàng trung ương này chọn tăng lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp có thể phải tăng tới mức 7%.
Được biết, khi lạm phát tăng vọt như 2 năm qua, Fed thường phản ứng bằng cách tăng mạnh lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế và ổn định giá cả. Mức lãi suất cao này sẽ khiến các khoản vay thế chấp, vay tiêu dùng và vay kinh doanh trở nên đắt đỏ hơn. Hậu quả là nhiều công ty phải hủy bỏ các dự án mới và cắt giảm việc làm, trong khi người tiêu dùng phải giảm chi tiêu và dẫn đến suy thoái.
Một số hướng giải quyết
Theo gợi ý từ các nhà nghiên cứu, Fed cần thắt chặt chính sách hơn nữa nếu muốn đạt được mục tiêu hạ nhiệt lạm phát vào cuối năm 2025. Và ngay cả khi giả định rằng lạm phát đã ổn định, các chuyên gia này vẫn nghi ngờ về khả năng "hạ cánh mềm" trong dự định của Fed.
"Chúng tôi vẫn thấy rằng không thể đưa lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% vào cuối năm 2025 mà không có suy thoái nhẹ", báo cáo viết.
Theo nghiên cứu này, Fed nên ưu tiên siết chặt chính sách hơn nữa. Ảnh: Reuters.
Ngoài ra, bài báo cáo cũng bác bỏ ý tưởng về việc nâng mục tiêu lạm phát lên trên 2% vì "đây là mức lý tưởng cho nền kinh tế". Thay vào đó, họ cho rằng ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới nên từ bỏ khung chính sách đã thông qua vào tháng 9/2020. Nguyên nhân là khung chính sách này đã mở ra khái niệm “mục tiêu lạm phát trung bình” và cho phép lạm phát tăng cao hơn mức nên có.
Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu khuyến nghị Fed nên quay trở lại chế độ ưu tiên tăng lãi suất vì tỷ lệ thất nghiệp vẫn chưa cao.
Theo CNBC, sau khi báo cáo nghiên cứu trên được công bố, các quan chức Fed đã lên tiếng phản đối.
Thống đốc Fed - ông Philip Jefferson - cho biết, tình hình hiện tại khác với các đợt lạm phát trước đây. Theo ông, Fed lần này có uy tín hơn vì họ đã từng kiểm soát lạm phát thành công so với một số người tiền nhiệm.
“Không giống như cuối những năm 1960 và 1970, chúng tôi đang giải quyết lạm phát một cách nhanh chóng và mạnh mẽ để ưu tiên bảo toàn tổng tài sản của nền kinh tế”, ông Jefferson trả lời.
Tác giả: Hằng Nga