Dòng sự kiện:
Fintech và ngân hàng 'bắt tay' là tất yếu
27/07/2018 06:05:58
Việc coi các công ty Fintech là đối tác hợp tác thay vì đối thủ cạnh tranh đã trở thành xu hướng rõ ràng trong ngành ngân hàng hiện nay.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, hiện nay trên cả nước có khoảng 88 công ty Fintech, trong đó Ngân hàng nhà nước đã cấp phép 27 công ty Fintech chủ yếu mới hoạt động trong lĩnh vực thanh toán.

Tại Việt Nam, các công ty Fintech chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thanh toán.

(Ảnh minh họa: KT).

"Trong 6 tháng qua ghi nhận tốc độ tăng mạnh mẽ của Internet banking và mobile banking, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Còn đối với các "sản phẩm" fintech khác tương tự trên thế giới như cho vay ngang hàng, gọi vốn, đầu tư, quản lý tài sản... chưa được phép theo pháp luật Việt Nam", ông Phạm Xuân Hòe cho biết thêm.

Ông Hòe nêu ví dụ, ở Trung Quốc, công ty tài chính Alipay chỉ trong 18 tháng đã có 600 triệu khách hàng, huy động 185 tỷ USD, bằng với 65 năm hoạt động của ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Công nghệ đã mang tới mô hình kinh doanh hết sức hiệu quả và sẵn sàng "đè lấn" các ngân hàng truyền thống.

Fintech (là từ viết tắt của từ financial technology trong tiếng Anh), với nghĩa là công nghệ tài chính. Fintech đề cập đến việc tận dụng sáng tạo công nghệ trong các hoạt động và dịch vụ tài chính.

"Tuy nhiên, tại Việt Nam lại hoàn toàn khác. Do đó, việc ngân hàng truyền thống bắt tay với công ty Fintech để cùng nắm bắt cơ hội và triển là xu hướng tất yếu", ông Hòe khẳng định.

Việc hợp tác với Fintech sẽ giúp ngân hàng có được sự đổi mới, sáng tạo từ bên ngoài, tương tác với mô hình kinh doanh tinh gọn, nhạy bén của Fintech để hướng tới nâng cao trải nghiệm khách hàng nhằm tăng tốc độ đổi mới.

Số hóa ngân hàng truyền thống

Ngân hàng số - digital banking hiện nay được coi là một khái niệm mới về hoạt động ngân hàng. Đặc điểm nổi bật của loại ngân hàng này là tất cả các quan hệ giao tiếp với khách hàng sẽ được thực hiện trên môi trường mạng.

Số hóa ngân hàng truyền thống là tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. (Ảnh minh họa: KT)

Hiện, tại Việt Nam có thể coi như ngân hàng số mới có TPBank với LiveBank, chuyển đổi số đích thực có VPBank với ứng dụng Timo, Vietcombank với Digital Lab, Vietinbank với Corebank thế hệ mới – EDW, MB với ứng dụng trợ lý ảo Chatbot, OCB với Omni-Channel phục vụ khách hàng 24h/7...

Giới chuyên gia nhận định, việc số hóa các ngân hàng bắt buộc phải khởi đầu từ xây dựng chiến lược số cho mô hình hoạt động. Bởi chỉ có công nghệ số mới có thể đáp ứng được nhu cầu tích hợp của khách hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi và an toàn nhất. Đây cũng chính là sự khác biệt so với các hoạt động trong mô hình kinh doanh truyền thống.

Theo ông Jan Bellens, Phó Tổng Giám đốc phụ trách thị trường mới nổi toàn cầu Ernst & Young, khi các ngân hàng hợp tác với các công ty Fintech, đặc biệt là với một công ty ít tên tuổi, có thể sẽ phải đối mặt với hàng loạt rủi ro hoạt động. Do đó, ngân hàng cần hiểu rõ các yếu tố mới trong rủi ro, có sự đảm bảo về bảo mật... trong hoạt động khi thực hiện triển khai Fintech./.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến