Formosa chôn chất thải: Nghi vấn bao che sai phạm cho cán bộ các cấp
27/07/2016 09:57:28
Việc Formosa chôn chất thải công nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đã làm dư luận dấy lên nhiều nghi vấn về việc lạm dụng quyền lực, tiếp tay cho sai phạm của cơ quan chức năng từ cấp tỉnh đến địa phương.

Tin liên quan

Cán bộ phủi tay mọi trách nhiệm ?

Vừa qua, dư luận vô cùng bức xúc trước việc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh ký kết hợp đồng vận chuyển với Formosa để đưa đi chôn lấp hàng trăm tấn chất thải công nghiệp.

Điều đáng nói, địa điểm chôn lấp lại là trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh, cũng là khu vực thượng nguồn con sông Trí. Nhiều người lo ngại, việc chất thải được chôn lấp sẽ dễ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về môi trường sinh thái trong khu vực vào mùa mưa, lũ đang cận kề.

Tuy nhiên, trước khi sự việc này bị phanh phui, ngày 14/6 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã có văn bản số 1447/STNMT – CCMT gửi Công ty Formosa nêu rõ: Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh không đủ điều kiện xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và tiếp nhận, xử lý chất thải nguy hại. Thế nhưng, không hiểu vì sao chất thải công nghiệp của Formosa vẫn được trực tiếp vận chuyển và chôn lấp vào chính trang trại của ông Lê Quang Hòa – Giám đốc công ty này?.

Chất thải Formosa chôn lấp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Nói về vấn đề này, ông Lê Quang Hòa thừa nhận chất thải xuất phát từ một số lò xử lý nước thải của Formosa nhưng “không đáng ngại”. Dẫn chứng là vị này cho rằng đó là bùn đen thông thường và loại này có thể tái sử dụng hoặc chôn lấp làm phân bón trồng cây, đó là nguyên nhân khiến hơn 100 tấn chất thải của Formosa có mặt trong trang trại?!

Để hợp thức hóa lời nói của mình, vị này cũng dẫn văn bản kiểm tra từ Chi Cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh) ngày 18/1/2016. Theo đó, những chất thải trên là bùn ép từ xưởng xử lý nước thải công nghiệp tro và than cốc, bùn than cốc từ lò cốc số 1 xưởng luyện cốc của Formosa.

Kết quả phân tích từ Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho thấy, đây là chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Khi nói về trách nhiệm, vị này cho rằng nếu kết quả kiểm tra kết luận sắp tới cho đó là chất thải nguy hại thì sai phạm thuộc về cơ quan chức năng đã kiểm tra trước đây và ông này phủi tay hết mọi trách nhiệm với câu nói chắc nịch: “Tôi không có lỗi”.

Nói về vấn đề này, luật sư Trịnh Ngọc Thành – Công ty luật Dân quyền, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Không thể khẳng định chắc chắn hàng trăm tấn chất thải công nghiệp được chôn lấp ở trang trại của ông Lê Quang Hòa là an toàn và không độc hại.

Bởi lẽ trong biên bản phân tích từ Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, mẫu kiểm tra có thể cho kết quả an toàn, thế nhưng với số lượng chất thải lớn thải ra từ khu công nghiệp Formosa và thời gian phân tích rất lâu so với hiện tại, không ai có thể khẳng định hay dám chắc rằng, lượng chất thải hơn 100 tấn được chôn lấp này là không độc hại.

Chính vì vậy, việc ông Hòa đổ lỗi cho cơ quan chức năng đã kiểm tra trước đây là hoàn toàn không chính xác. Hơn nữa, có thể nói hành động chôn chất thải của Formosa trái phép là một hành động tiếp tay cho sai phạm gây thiệt hại nghiêm trọng tới môi trường”.

Có hay không việc cấp giấy phép con tạo điều kiện cho sai phạm ?

Trong một diễn biến khác, ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cũng vô cùng bất ngờ trước công văn số 07 của Chi Cục Bảo vệ môi trường gửi Công ty Formosa Hà Tĩnh về việc trả lời kết quả phân tích bùn ép từ xưởng xử lý nước thải công nghiệp và tro than cốc của công ty Formosa.

Công văn này nêu rõ kết quả phân tích từ Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), các thông số phân tích 2 mẫu bùn ép và 2 mẫu bùn than cốc, tro than cốc tại các xưởng xử lý nước thải và xưởng luyện cốc của Formosa cho thấy đều có giá trị thấp hơn và nằm trong ngưỡng chất thải nguy hại tính theo hàm lượng tuyệt đối cơ sở.

Dư luận đặt ra những câu hỏi, liệu kết quả phân tích này và công văn số 07 có phải là một cái cớ, một “giấy phép con” cho Công ty Formosa và Công ty Môi trường đô thị được “tự tung tự tác” vận chuyển và chôn lấp chất thải mà không lường những hậu quả về sau? Và tại sao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh không hề hay biết công văn này, trong khi nơi nhận lại có cả Phó giám đốc sở phụ trách?.

Luật sư Trịnh Ngọc Thành trao đổi với PV.

Luật sư Trịnh Ngọc Thành nêu quan điểm, việc Giám đốc Sở không biết công văn của chi cục bảo vệ môi trường có thể đặt ra hai giả thiết.

Thứ nhất, vị Giám đốc sở này không hề hay biết hoặc không được cấp dưới báo cáo về vấn đề này.

Thứ hai, có thể vị Giám đốc Sở này biết nhưng làm ngơ trước sự việc nhằm bao che cho sai phạm. Khi kết quả phân tích được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra là những chất thải đó độc hại, ảnh hưởng lớn đến môi trường thì đối với ông Giám đốc Sở, hoàn toàn có căn cứ để xét đủ yếu tố cấu thành tội phạm và phải khởi tố hình sự.

Căn cứ vào điều 285 của Bộ luật Hình sự, quy định tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" có thể phân tích rằng: “Thiếu trách nhiệm là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao nên mới gây hậu quả, nếu làm trong trách nhiệm được giao thì không thể gây hậu quả. Trường hợp đã làm hết trách nhiệm mà hậu quả vẫn xảy ra thì không phải là thiếu trách nhiệm và không phải là hành vi phạm tội này dù hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.

Phân tích điều luật này, trường hợp không thực hiện nhiệm vụ được giao là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không làm những việc theo đúng quy định pháp luật hoặc điều lệ công tác. Thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không thực thi đúng nghĩa vụ, quyền hạn của mình.

Với quy định này thì mức phạt sẽ là cải tạo không giam giữ từ ba năm đến phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Bên cạnh đó, nếu phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ phạt tù từ ba năm đến mười hai năm. Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Còn theo quan điểm của luật sư Nguyễn Đức Trang – Văn phòng luật sư Hồng Việt: “Việc Formosa tự ý xả thải gây ô nhiễm môi trường thì Formosa phải chịu trách nhiệm. Nếu cá nhân nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấp phép sai qui định hoặc làm ngơ cho Formosa xả thải gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự”.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến