Dòng sự kiện:
Gần 160.000 bằng lái bị tạm giữ tài xế không đến nhận
23/03/2019 22:00:09
Hết thời hạn tước giấy phép lái xe, nhưng tài xế vi phạm giao thông cố tình không đến nộp phạt để lấy lại bằng lái.

Cục Cảnh sát giao thông cho biết, tình trạng người vi phạm giao thông bị giữ bằng lái, nhưng không đến trụ sở giải quyết để nhận lại bằng tăng cao. Riêng hai năm 2015-2016 có gần 160.000 giấy phép lái xe ôtô, môtô bị tước quyền sử dụng, đã hết thời gian tước, nhưng tài xế không đến nhận.

Thực tế qua tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, cảnh sát giao thông nhiều địa phương phát hiện tài xế lợi dụng việc báo mất giấy phép lái xe để làm mới, thậm chí sử dụng bằng lái giả, gây mất an toàn giao thông và vi pham phạm pháp luật, đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói.

Một trong những nguyên nhân khiến người vi phạm không đến nhận lại bằng lái được Cục nêu ra là mức tiền xử phạt cao gấp nhiều lần mức lệ phí cấp lại, trong khi đó thủ tục cấp lại bằng lái tại các Sở Giao thông Vận tải đơn giản nên người vi phạm không đến xử phạt, báo mất để xin cấp lại.

Hàng trăm nghìn bằng lái đang tạm giữ ở các trụ sở cảnh sát giao thông trên toàn quốc, tài xế vi phạm không đến lấy. Ảnh: Cục CSGT

Liên quan đến việc xử lý thế nào với những bằng lái bị tạm giữ mà tài xế vi phạm cố tình không đến lấy, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho rằng với những bằng lái đã hết thời hạn tạm giữ, Cục không được hủy mà bắt buộc phải lưu lại hồ sơ, để chờ người vi phạm đến xử lý.

Bộ Công an và Bộ Giao thông đã thống nhất chủ trương liên thông, chia sẻ thông tin giấy phép lái xe với xử lý vi phạm để quản lý chặt tài xế. "Hiện nay về mặt công nghệ, hạ tầng đã cho phép kết nối dữ liệu giấy phép lái xe và xử lý vi phạm, tuy nhiên hai Bộ đang bàn giải pháp để kết nối thông tin một cách hiệu quả nhất", đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết.

Cũng liên quan đến việc thắt chặt cấp, đổi giấy phép lái xe, trước đó trung tuần tháng 1, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo tổng kiểm tra, siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe trên toàn quốc, tập trung vào một số cơ sở sở đào tạo, sát hạch có biểu hiện vi phạm.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông, Công an nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp lại giấy phép lái xe ôtô, quy định trước khi cấp lại Giấy phép lái xe do bị mất hoặc hư hỏng phải được Cục Cảnh sát giao thông hoặc Phòng Cảnh sát giao thông cấp tỉnh xác nhận Giấy phép lái xe không bị tạm giữ do vi phạm.

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất "tất cả người mất bằng lái xe phải thi lại" nhằm tránh tình trạng lợi dụng để xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3.

Điều 12 Thông tư 11/2013/TT-BCA quy định, khi quá thời hạn hẹn đến giải quyết và đã bị tạm giữ giấy phép lái xe mà người vi phạm chưa đến trụ sở để giải quyết việc vi phạm, vẫn tiếp tục lái xe thì sẽ bị xử phạt như hành vi không có giấy tờ. Trường hợp nếu tài xế tiếp tục vi phạm hành vi mới thì sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không có giấy tờ và hành vi vi phạm mới. Người vi phạm sẽ bị tạm giữ một trong các loại giấy tờ còn lại hoặc tạm giữ phương tiện.

Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến