Kẹt xe trầm trọng trên nhiều tuyến đường luôn là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông tại TP HCM
TP.HCM cần đến hơn 391.000 tỷ đồng để thực hiện đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân” trong giai đoạn 2021 - 2030. Điều dư luận quan tâm là số tiền khổng lồ này sẽ được lấy từ đâu và liệu nó có giúp thành phố chấm dứt nạn kẹt xe?
Thu phí ô tô vào trung tâm
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa ký quyết định phê duyệt đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP”.
Mục tiêu của đề án là phát triển bền vững vận tải hành khách công cộng nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, từng bước góp phần giảm ùn tắc, TNGT, ô nhiễm môi trường.
Đáng chú ý, để thực hiện đề án này, giai đoạn 2021 - 2030, thành phố cần tới hơn 391.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước hơn 57.000 tỷ đồng, các nguồn lực khác từ xã hội hóa đầu tư hoặc vốn ODA (đầu tư xe buýt, hệ thống vé thông minh, xe đạp điện công cộng, vận tải hành khách đường thủy...) dự kiến khoảng hơn 330.000 tỷ đồng.
Nguồn lực từ ngân sách Nhà nước sẽ dành ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng như: Trợ giá xe buýt và hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện (24.898 tỷ đồng); cung ứng dịch vụ vận tải hành khách trên đường sắt đô thị (21.223 tỷ đồng); đầu tư cơ sở hạ tầng, xe buýt nhanh và dự án giao thông thông minh (10.849,3 tỷ đồng); tư vấn và tuyên truyền (166,4 tỷ đồng).
TP đặt chỉ tiêu cụ thể vào năm 2025 vận tải công cộng sẽ đáp ứng được 15% nhu cầu giao thông đô thị, đến năm 2030, con số này là 25%.
Để đạt được mục tiêu trên, TP HCM đưa ra 27 giải pháp với 3 nhóm chính gồm: Phát triển vận tải hành khách công cộng, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động của xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh.
Đáng chú ý, trong nhóm kiểm soát phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc giao thông, TP HCM dự kiến sẽ áp dụng biện pháp thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Tiền lấy từ đâu?
Theo một cán bộ của Sở GTVT TP HCM, nếu thành phố thực hiện triệt để các nhóm giải pháp trên thì chắc chắn giao thông công cộng sẽ phát triển, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ không còn.
Về nguồn vốn để thực hiện đề án trên, thành phố xác định vốn vay ODA chiếm khoảng 70% sẽ là nguồn vốn chủ lực để triển khai đề án, vốn ngân sách chiếm khoảng trên 20%, còn lại là vốn huy động xã hội hóa.
Tuy nhiên, theo PGS. TS. Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường Đại học Bách khoa TP HCM, đề án có giải quyết triệt để nạn ùn tắc giao thông của thành phố hay không thì chưa thể trả lời ngay được mà còn phụ thuộc vào cách thức triển khai, thực hiện.
Riêng về vốn đầu tư, ông Mai cho rằng, đây là đề án lớn, cần vốn ngân sách Nhà nước nhiều hơn. Tuy nhiên, vấn đề này phải có cơ chế. Về nguồn vốn vay ODA, đây sẽ là bài toán khó, rủi ro…
Do đó, phương án huy động nguồn vốn từ xã hội hóa khả thi hơn cả, bởi hiện có nhiều doanh nghiệp đủ tài chính, nguồn lực. Vấn đề là TP cần phải có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn thì các doanh nghiệp mới dám làm.
Cùng quan điểm, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, việc vay vốn ODA sẽ rất khó mà rủi ro.
“Thành phố chỉ nên xác định vốn vay ODA khoảng 20-30% chứ không phải tới 70%. Không thiếu nhà đầu tư sẵn sàng tham gia, vấn đề còn lại là phải có chính sách phù hợp”, ông Tuấn nói và nhận định, kể cả khi đề án này triển khai, tình trạng kẹt xe chắc chắn vẫn còn.
Đừng hy vọng sẽ giải quyết triệt để kẹt xe, bởi ngay cả các siêu đô thị trên thế giới đầu tư rất lớn cho hệ thống giao thông công cộng cũng không thể giải quyết triệt để.
Gần 400.000 tỷ sẽ đầu tư vào những đâu? Theo đề án, TP HCM sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray và 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT) cùng với hệ thống giao thông công cộng khác. Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) 14.752 tỷ đồng bằng vốn vay ODA; tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương): 46.567 tỷ đồng; tuyến số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn): 44.157 tỷ đồng; tuyến xe buýt nhanh BRT số 1: 3.000 tỷ đồng; tuyến đường sắt số 2, giai đoạn 2: 33.901 tỷ đồng; tuyến đường sắt số 3a (Bến Thành - bến xe Miền Tây): 41.860 tỷ đồng; tuyến số 4b (Công viên Gia Định - Lăng Cha Cả): 104.539 tỷ đồng; phối hợp với Bộ GTVT triển khai đầu tư khai thác tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành đồng bộ với tiến độ xây dựng CHK quốc tế Long Thành: 34.500 tỷ đồng; Tổ chức lại mạng lưới các tuyến xe buýt trên địa bàn, kinh phí dự kiến gần 83.000 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách... |
Tác giả: Đỗ Loan - Anh Thư
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy