Dòng sự kiện:
Gần 69% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động trong năm nay
10/12/2023 10:35:47
Theo Navigos Search, 68,7% trong số 555 doanh nghiệp ở tất cả nhóm ngành đã phải cắt giảm lao động trong năm 2023 để ứng phó với các biến động thị trường.

Trong năm 2023, có 56% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Ảnh: Phạm Ngôn.

Báo cáo về lương và thị trường lao động năm 2024 của Navigos Search cho biết làn sóng sa thải toàn cầu đã lan rộng sang nhiều lĩnh vực. Đánh giá toàn diện về các đợt sa thải của Bloomberg News (2023) cho thấy các doanh nghiệp đã sa thải gần nửa triệu lao động trên khắp thế giới.

Riêng Việt Nam, từ đầu năm đến nay, hàng nghìn lao động trong lĩnh vực bán lẻ, bất động sản cũng bị sa thải do sự khó khăn của doanh nghiệp. Mới đây nhất, "ông lớn" bán lẻ công nghệ Thế Giới Di Động cũng đã thông báo có thể đóng thêm 200 cửa hàng trong quý IV.

Ngành nào cắt giảm nhân sự mạnh nhất?

Navigos Search cho biết 68,7% trong số 555 doanh nghiệp Việt khảo sát ở tất cả nhóm ngành đã phải cắt giảm lao động trong năm 2023 để ứng phó với các biến động thị trường.

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng này trải dài trong nhiều ngành hàng như ngân hàng, giao thông vận tải, bất động sản, ngành hàng tiêu dùng nhanh, thương mại điện tử, công nghệ...

Trong đó, các doanh nghiệp chứng khoán là nhóm ngành cắt giảm mạnh tay nhất khi 100% doanh nghiệp cắt giảm 25-50% nhân sự.

Theo kết quả khảo sát, có rất ít doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm nhân sự với quy mô lớn. Cắt giảm 50-75% nhân sự xuất hiện trong 2 ngành xây dựng, bất động sản và dịch vụ tư vấn với cùng tỷ lệ là 10%. Riêng ngành dịch vụ tư vấn có tình trạng cắt giảm trên 75% nhân sự, chiếm 5%.

Tuy nhiên, 59% trong số 555 doanh nghiệp cho biết sẽ tuyển dụng thêm dưới 25% nhân sự trong một năm tới. 15% có nhu cầu tuyển dụng 25-50% nhân sự và 18% cho biết không có nhu cầu tuyển dụng mới. Trong khi rất ít doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự số lượng lớn trong năm tới.

Báo cáo cũng chỉ ra các phòng ban mà doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng thời gian tới có kinh doanh, bán hàng (62%); sản xuất (26%) và truyền thông, tiếp thị (20%). Người lao động có kinh nghiệm làm việc, đáp ứng khả năng thích ứng, giải quyết vấn đề được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng hơn.

Khảo sát từ 4.000 người đi làm trong năm 2023 cho thấy phần lớn không bị mất việc và vẫn làm ổn định với tỷ lệ gần 70%. Nhưng vẫn còn một bộ phận có nguy cơ bị mất việc (11,2%). Gần 20% của 4.000 người nói trên cho biết đã bị mất việc, nhưng chỉ 6,5% tìm được việc làm mới và hơn 11% vẫn chưa tìm được công việc. Trong đó, nhóm lao động ngành xây dựng bị mất việc nặng nhất.

Thị trường lao động việc làm vẫn nhiều khó khăn

Khi khảo sát về tình trạng tăng/giảm lương của người lao động trong năm 2023, Navigos Search cho biết tăng lương và lương không đổi vẫn chiếm đa số, với tỷ lệ lần lượt là 44,4% và 44,1%. Số lao động bị giảm lương năm vừa qua chỉ chiếm thiểu số với 11,5%.

Hãng nghiên cứu này đánh giá thị trường lao động việc làm Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, chủ yếu do sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu, xung đột giữa Nga - Ukraine; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tác động của thị trường thế giới…

Dệt may cũng là ngành cắt giảm nhân sự mạnh trong năm 2023. Ảnh: Garmex.

"Những nguyên nhân này làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn cũng bị suy giảm, dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, gây khó khăn cho việc sản xuất", công ty nghiên cứu nhìn nhận.

Điều này dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, tình trạng này diễn ra từ quý IV năm 2022 và vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên theo số liệu của Tổng cục thống kê, tình trạng này có xu hướng giảm nhiệt bắt đầu từ quý III.

Tác giả: Thanh Thương

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến