Quang cảnh họp báo. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu tình hình lao động việc làm quý 4/2020 và cả năm 2020 sáng 6/1 tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Quang Vinh cho biết tình hình lao động, việc làm quý 4/2020 có nhiều chuyển biến tích cực, thu nhập của người làm công hưởng lương có xu hướng tăng so với các quý trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị quý 4 mặc dù giảm so với quý 3 nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2020.
Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...
69,2% người bị giảm thu nhập; 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng.
Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng.
Tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh phát biểu. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Bà Valentina Baccuci, Phó Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam, cho biết tình trạng suy thoái kinh tế đã làm giảm sút việc làm. Thiên tai, dịch bệnh đã góp phần làm tồi tệ thêm về vấn đề việc làm.
Đối với những người có việc làm ở quý 4, chất lượng việc làm thấp hơn ở cuối năm trước. Nhìn chung, việc làm ngoài khu vực nông nghiệp có tăng lên.
Tuy nhiên, có rất nhiều lý do để chúng ta lạc quan về vấn đề việc làm, nền kinh tế đã có những hồi phục, việc làm đã tăng lên. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và dịch vụ đã có những khả quan, doanh nghiệp đánh giá những tín hiệu tích cực.
“Điều tra về vấn đề việc làm có vai trò rất quan trọng trong việc điều hành và đưa ra các giải pháp cho nền kinh tế trong giai đoạn tới đây, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp như hiện nay,” bà Valentina Baccuci nhấn mạnh.
Bà Valentina Baccuci, Phó Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) trả lời các câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê - Tổng cục Thống kê, cho biết tính chung năm 2020, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi là gần 1,2 triệu người, tăng 277.800 người so với năm 2019.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,51%; trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,68%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,93%.
Hơn một nửa số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động năm 2020 đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 53,7%, giảm 15,6 điểm phần trăm so với năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,2%, tăng 10,7 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ chiếm 26,1%, tăng 4,9 điểm phần trăm.
Như vậy, tình trạng thiếu việc làm hiện nay không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mà đang tăng lên ở cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý 4/2020 đạt 5,7 triệu đồng, tăng 212.000 đồng so với quý trước và giảm 108.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê (Tổng cục Thống kê), trả lời các câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Năm 2020, thu nhập bình quân tháng đạt 5,5 triệu đồng, giảm 128.000 đồng so với năm trước.
Thu nhập bình quân tháng người lao động của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần, tương ứng 6,4 triệu đồng và 4,5 triệu đồng.
Thu nhập bình quân của lao động thành thị cao hơn của lao động nông thôn 1,5 lần, tương ứng là 7 triệu đồng và 4,7 triệu đồng.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương đạt 6,6 triệu đồng, giảm gần 100.000 đồng so với năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,1 lần, tương ứng 6,9 triệu đồng và 6,2 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động thành thị cao hơn lao động nông thôn 1,2 lần, tương ứng là 7,4 triệu đồng và 6 triệu đồng.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị quý 4/2020 mặc dù giảm so với quý 3 nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm trở lại đây.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 4/2020 là gần 1,2 triệu người, giảm 60.100 người so với quý trước và tăng 136.800 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 4/2020 là 2,37%, giảm 0,13 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,68%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,78 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
“Đại dịch COVID-19 đã làm tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý 4/2020 cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua,” bà Vũ Thị Thu Thủy cho biết./.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy