Dòng sự kiện:
Gang thép thái nguyên ra sao trước ‘biến cố’ nhiều cựu lãnh đạo bị khởi tố
24/04/2019 12:01:27
Nguyên 5 lãnh đạo thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) và Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) bị khởi tố kéo theo những hệ lụy về các khoản nợ vay và thiếu hụt vốn lưu động cho tập đoàn này.

Liên quan tới sai phạm tại Dự án gang thép Thái Nguyên, cơ quan điều tra đã ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can là nguyên lãnh đạo Tổng công ty thép Việt Nam và Tổng công ty gang thép Thái Nguyên.

Các bị can bị bắt đều từng giữ vai trò nòng cốt của cái nôi ngành thép Việt Nam như bị can Mai Văn Tinh, Nguyên Chủ tịch HĐQT VnSteel, bị can Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng giám đốc VNSteel, bị can Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc Tisco, bị can Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tisco, bị can Ngô Sỹ Hán, nguyên Tổng giám đốc, trưởng ban quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 công ty Gang thép Thái Nguyên.

5 cựu lãnh đạo này “dính chàm” từ cùng một dự án đó là Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án) được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và giao Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt; Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là Chủ đầu tư.

Cả 5 bị can đều có liên quan tới sai phạm tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Chính những sai phạm tại dự án nà đang khiến Gang thép thái nguyên gánh chịu một khoản nợ vay khổng lồ.

Theo đó, tính đến thời điểm 31/3, Tisco có khoản nợ vay ngắn hạn 2.583 tỷ đồng, nợ dài hạn 2.800 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn của công ty chỉ ở mức 3.274 tỷ đồng, hàng tồn kho gần 2.300 tỷ trong khi tiền và tương đương tiền gần 148 tỷ cho thấy công ty đang ở tình trạng thiếu hụt vốn lưu động.

Công ty hạch toán khoản phải thu khách hàng ngắn hạn 872 tỷ đồng tuy nhiên có đến 651 tỷ là các khoản quá hạn thanh toán và khó có khả năng thu hồi.

Thời điểm cuối năm 2018, hai ngân hàng đang cho vay Tisco nhiều nhất là Ngân hàng TMCP Công thương (cho vay dài hạn hơn 1.900 tỷ) và BIDV (cho vay dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 hơn 1.136 tỷ, cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh Tisco và công ty con gần 220 tỷ).

Tisco đang hạch toán 5.100 tỷ chi phí xây dựng dở dang dự án cải tạo Gang thép giai đoạn II, tại thời điểm 31/12/2018 con số trên là tổng giá trị đầu tư dự án đã thực hiện, dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt từ 3.943 tỷ ban đầu lên thành 8.105 tỷ. Công ty đang hạch toán 928 tỷ chi phí lãi vay của dự án cải tạo giai đoạn 2 vào phần chi phí phải trả, con số chi phí tài chính trên báo cáo tài chính hiện tại chỉ là phần lãi vay của sản xuất kinh doanh. Thanh tra Chính phủ đang kiến nghị Bộ tài chính, NHNN, Bộ Kế hoạch đầu tư rà soát, xử lý những tồn tại, áp dụng cơ chế giảm lãi vay phát sinh trong thời gian dự án dừng thi công, Tisco không có khả năng thanh toán.

Trước đó, ngày 20/2, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có thông báo kết luận thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Kết luận nêu rõ, ngày 5/4/2005, Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án) được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và giao Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt; Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là Chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư (TMĐT) được Hội đồng Quản trị (HĐQT) VNS phê duyệt là 3.843 tỉ đồng (242,5 triệu USD). Dự án gồm 02 gói thầu chính: (1) Gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là 224.057 triệu đồng; (2) Gói thầu EPC Dây chuyền công nghệ luyện kim (143 triệu USD, sau là 160,9 triệu USD) đấu thầu rộng rãi.

Sau khi đấu thầu, tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá 160,9 triệu USD.

Ngày 12/7/2007, bên giao thầu (Bên A) là TISCO và Bên nhận thầu EPC (Bên B) là Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đã ký hợp đồng với nhau. Cam kết tại Điều 9 “giá hợp đồng tổng thầu EPC là 160.888.887 USD.

Giá hợp đồng này là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong Hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện Hợp đồng theo phương thức Tổng thầu EPC.

Sau ký hợp đồng, MCC đã được tạm ứng 35,6 triệu USD; trong quá trình thực hiện Hợp đồng, TISCO và MCC ký 10 Phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng của Hợp đồng EPC đã ký.

Đến ngày 15/5/2013, Chủ tịch HĐQT TISCO điều chỉnh TMĐT Dự án là 8.104.907,173 triệu đồng (tăng 4.261.000 triệu đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động. Thực tế, Gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.

Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho Dự án là 4.421.522 triệu đồng; tổng dự nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là 3.896.838 triệu đồng (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỉ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng (Phần E là 2,9 triệu USD/3,1 triệu USD, 92,77%; Phần P 106,6 triệu USD/114,8 triệu USD 92,89%) nhưng các hạng mục của Dự án đều chưa hoàn thành, đến năm 2013 MCC và các nhà thầu đã dừng thi công.

Từ sai phạm các dự án, TTCP kiến nghị Thủ tướng xử lý về kinh tế với số tiền sai phạm lên tới hàng ngàn tỉ đồng, gồm thu hồi khoản tiền thanh toán cho MCC số tiền hơn 13 triệu USD; xử lý số tiền thanh toán sai cho các nhà thầu phụ hơn 876 tỉ đồng, gần 10 tỉ đồng chi cho việc tiếp khách, đi công tác nước ngoài;... đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo TISCO, VNS, Bộ Công thương, các cơ quan của Chính phủ… kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến