Gánh nặng bảo lãnh nợ vay
14/06/2014 09:14:22
Tưởng rằng nhờ các quy định về Luật Quản lý nợ công, việc quản lý vốn nhà nước mấy năm gần đây được siết chặt, các doanh nghiệp thận trọng, hạn chế hơn trong việc xin cấp bảo lãnh Chính phủ. Thế nhưng, thực tế bốn năm gần đây, nợ công tăng nhanh, trong đó có nguyên nhân quan trọng là tổng giá trị các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh tăng bình quân gần 50%/năm.

Tưởng rằng nhờ các quy định về Luật Quản lý nợ công, việc quản lý vốn nhà nước mấy năm gần đây được siết chặt, các doanh nghiệp thận trọng, hạn chế hơn trong việc xin cấp bảo lãnh Chính phủ. Thế nhưng, thực tế bốn năm gần đây, nợ công tăng nhanh, trong đó có nguyên nhân quan trọng là tổng giá trị các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh tăng bình quân gần 50%/năm.

 

 

Đúng ra nợ công đã giảm. Trong năm 2013, khi đồng yen của Nhật Bản mất giá khoảng 28% so với đầu kỳ vay nợ, đã làm cho dư nợ nước ngoài của Chính phủ bằng đồng yen quy đổi ra đô la Mỹ giảm tương ứng khoảng 3.100 triệu đô la (khoảng 65.100 tỉ đồng) - theo báo cáo mới đây của Chính phủ với Quốc hội về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công năm 2013. Yếu tố khách quan này làm nợ công giảm 2,8% so với con số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước. Thực tế, nợ công đến hết năm 2013 ở mức 1.913 ngàn tỉ đồng, bằng  53,4% GDP.

 

Bảo lãnh vay mới tăng mạnh

 

Tuy nhiên, mức vay mới năm 2013 từ tất cả các nguồn khác nhau tăng mạnh (bao gồm vay Chính phủ, vay được Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương). Con số này ước đạt 513.000 tỉ đồng, tăng 23,4% so với thực hiện năm 2012. Trong đó, phát hành trái phiếu chính phủ là 181.000 tỉ đồng, tăng 28% so với năm 2012 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Vay nước ngoài của Chính phủ là 5,01 tỉ đô la Mỹ, tăng 14% so với thực hiện năm 2012.

 

Đáng chú ý nhất là việc cấp bảo lãnh Chính phủ qua các kênh ngân hàng phát triển và qua bảo lãnh vay từ các ngân hàng thương mại trong nước đã khiến tổng giá trị nợ công do Chính phủ bảo lãnh trong bốn năm qua đạt xấp xỉ gần 400.000 tỉ đồng. “Mức tăng trưởng bình quân gần 50%/năm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong báo cáo gửi Quốc hội. Các khoản bảo lãnh này chỉ tính từ năm 2010, thời điểm Luật Quản lý nợ công được áp dụng, đề ra các điều kiện siết chặt hơn việc cấp bảo lãnh cho các khoản vay. Hơn nữa, chiến lược nợ công và vay nợ nước ngoài giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2012 cũng đặt ra yêu cầu hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án. Nhưng thực tế thì ngược lại.

Trong năm 2013, việc cấp bảo lãnh phát hành trái phiếu vay trong nước qua kênh Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tăng gần 15% nhưng qua Ngân hàng Chính sách xã hội (tạo nguồn vốn cho học sinh nghèo, sinh viên và các đối tượng chính sách khác vay) thì lại giảm đến 58,4%. Điều này đồng nghĩa với cơ hội tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ để thoát nghèo, cải thiện cuộc sống của hàng triệu đối tượng chính sách đã bị hạn chế đi một nửa.

 

 

Kênh thứ ba là bảo lãnh vay từ các ngân hàng thương mại trong nước cho các dự án trọng điểm tăng đáng kể. Bộ Tài chính cho biết số vốn vay có bảo lãnh đã được giải ngân là 9.736 tỉ đồng, trong đó có việc cấp bảo lãnh cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC, Bộ Tài chính) phát hành trái phiếu xử lý nợ giai đoạn 1 cho Vinashin tại các tổ chức tín dụng trong nước và bốn dự án thủy điện, nhiệt điện. Thống kê không cho biết mức tăng bảo lãnh qua kênh này trong năm 2013 so với năm trước là bao nhiêu như hai kênh bảo lãnh nói trên. Song, trên thực tế, riêng cấp bảo lãnh cho Vinashin đảo nợ trong nước giai đoạn 1 đã là 12.000 tỉ đồng, lớn hơn số vốn vay có bảo lãnh được giải ngân mà Bộ Tài chính đã đề cập.

 

Bảo lãnh vay nước ngoài năm 2013 cho tám dự án là 3,16 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, Vinashin chiếm khoảng một phần năm hạn mức bảo lãnh này với trái phiếu phát hành nợ trị giá 627 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra là bảo lãnh cho các khoản vay ở tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng, các nhà máy nhiệt điện và nâng cấp quốc lộ 20. Tổng giá trị các khoản vay nước ngoài được bảo lãnh này tăng thêm 10% so với năm trước.

 

Nhà nước phải trả nợ thay nhiều

 

Vấn đề bảo lãnh vay nợ tăng bình quân 50%/năm trong bốn năm trở lại đây thực sự đáng ngại, nhất là việc bảo lãnh vay nợ để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào sản xuất hay đảo nợ (trừ các dự án năng lượng, hạ tầng). Thế nhưng, việc giám sát hiệu quả sử dụng nguồn vốn sau vay nợ, khả năng trả nợ còn đáng ngại hơn.

 

Bằng chứng là một số dự án đến hạn trả nợ năm 2013 tiếp tục không trả được nợ và Quỹ tích lũy trả nợ tiếp tục phải ứng ra trả thay. Đã có sáu dự án được trả thay, trong đó có năm dự án xi măng và một dự án giấy với tổng số tiền 993 tỉ đồng.

 

Bên cạnh đó, quỹ này còn phải ứng trả thay cho Tổng công ty Phát triển đường cao tốc (VEC) khoản nợ trái phiếu trong nước 607 tỉ đồng được chuyển từ hình thức bảo lãnh Chính phủ sang ngân sách nhà nước cấp phát (thông qua ngân sách nhà nước vay để trả cho VEC). Bộ Tài chính thống kê, lũy kế đến hết năm 2013, quỹ đã phải trả thay các dự án được bảo lãnh 4.754 tỉ đồng.

 

Kiểm toán Nhà nước, trong Báo cáo kiểm toán năm 2013 mới phát hành cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân của việc phải trả thay các khoản bảo lãnh là do việc cấp và quản lý bảo lãnh, nhất là bảo lãnh Chính phủ vay vốn nước ngoài có vấn đề.

 

Ví dụ như nợ nước ngoài được bảo lãnh đến hết năm 2012 là 7,2 tỉ đô la, tăng gần 29% so với năm trước. Nhưng tại thời điểm cấp thẩm định bảo lãnh, hầu hết các chủ đầu tư dự án chưa bố trí đủ mức vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% so với tổng vốn đầu tư, chỉ cam kết sẽ đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Họ cũng chưa báo cáo về tiến độ góp vốn chủ sở hữu trong quá trình triển khai dự án. Các chủ đầu tư cũng chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ nhưng Bộ Tài chính không có chế tài xử lý. Thậm chí một số dự án đã được cấp bảo lãnh nộp phí chậm hoặc không nộp phí bảo lãnh với tổng số tiền là 4,29 triệu euro và 2,91 triệu đô la Mỹ. Đó cũng là nguyên nhân làm dư nợ công tăng mạnh qua các năm.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến