Dòng sự kiện:
Gánh nặng đã sau lưng, SHB vẫn còn điểm phải chờ đợi
17/12/2017 08:43:36
Gánh nặng Habubank cơ bản gọn, Bianfishco bắt đầu có lãi, lợi nhuận tăng tốc, nhưng giá cổ phiếu SHB vẫn chưa vượt mệnh...

Tuần qua, lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) có cuộc tiếp xúc với một doanh nghiệp lớn, trong hướng tiếp cận các cơ hội hợp tác.

Doanh nghiệp lớn này có nguồn thu tiền mặt từ hệ thống đại lý toàn quốc lên tới trăm tỷ mỗi ngày. Triển vọng hợp tác với ngân hàng ở dịch vụ thu hộ.

"Chúng tôi không nề hà gì chuyện đi thu hộ từng món nhỏ. Nếu ngân hàng khác ngại làm, chúng tôi làm. Và sẽ làm tốt hơn để cạnh tranh. Định hướng của SHB từ 3-5 năm tới phải tạo thay đổi lớn, tăng cơ cấu thu từ dịch vụ lên 30-40%, thúc đẩy từ những dịch vụ nhỏ nhất chứ không chỉ dựa chủ yếu vào tín dụng như trước", ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB nói.

Đã gọn Habubank, Bianfishco

Năm 2017, 5 năm sau sáp nhập Habubank, SHB bắt đầu đặt chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng cao, tăng 50%, ứng với 1.750 tỷ đồng. Khi hoạch định con số chỉ tiêu, dĩ nhiên ngân hàng đã trù tính và có cơ sở.

Trước hết, sau những năm hy sinh lợi nhuận, tập trung dồn lực trích dự phòng, gánh nặng nợ xấu lên tới khoảng 20% từ Habubank chuyển giao từng bước được xử lý. Hiện nợ xấu toàn ngân hàng đã được kiểm soát dưới 2%.

Sau năm 2016 tích lũy được 3.427,6 tỷ quỹ dự phòng, 2017 dự kiến SHB sẽ chủ động thêm khoảng 2.000 tỷ đồng nữa. Nợ xấu không có nghĩa bị mất đi, với nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ xử lý nợ xấu vừa có hiệu lực, kết quả xử lý có thêm thuận lợi sẽ đi cùng với tiềm năng hoàn nhập dự phòng.

Nhưng đó không phải là nhân tố tạo tăng trưởng lợi nhuận bắt đầu bứt phá từ năm nay. Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng vừa qua cho thấy nguồn thu từ dịch vụ đột biến. Ông Hiển cho biết, 2017 ngân hàng sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận, dự kiến có thể đạt 1.900 tỷ, sau khi những níu kéo từ sáp nhập Habubank cơ bản được xử lý, thu dịch vụ được đẩy mạnh.

"Ba năm sáp nhập, SHB đã được Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao với kết quả tái cơ cấu thành công. Đến nay mọi mặt của quá trình sáp nhập, từ mạng lưới, nhân sự, công nghệ, sản phẩm, đặc biệt là nợ xấu SHB đã xử lý chỉ còn dưới 2% để hoạt động và hiệu quả kinh doanh tốt lên", ông Hiển cho biết.

Thúc đẩy dịch vụ, nền công nghệ phải mạnh. Hiện SHB đang đàm phán để mời một hãng công nghệ hàng đầu thế giới vào tư vấn, thiết lập nền tảng hiện đại để thúc đẩy cho hoạt động bán lẻ.

Với ngân hàng mẹ, bán lẻ trong bán buôn là hướng đi Chủ tịch SHB nhấn mạnh, qua tăng cường hợp tác bán chéo sản phẩm với các doanh nghiệp lớn. Với thị trường tiêu dùng, công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc sắp ra mắt để vào cuộc.

Theo Chủ tịch SHB, công nghệ và đào tạo, đặc biệt ở chiến lược bán lẻ, với tài chính tiêu dùng còn khá mới ở Việt Nam, hơn hết cần có sự hợp tác với các tổ chức quốc tế mạnh, nhiều kinh nghiệm. Với đặc thù thị trường trải rộng, tài chính tiêu dùng có hàng chục nghìn đầu mối kinh doanh nhỏ lẻ, hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân sự phải đặc biệt được chú trọng và chuẩn bị dày dặn.

Năm 2017 SHB tập trung chuẩn bị cho hướng đi trên, để sẵn sàng nhập cuộc và bứt phá từ 2018.

Nhưng, nếu như gánh nặng Habubank cơ bản xử lý xong, tại SHB vẫn còn khó khăn nhất định trong quá trình tái cơ cấu Thủy sản Bình An (Bianfishco).

Ông Hiển khẳng định, đến nay việc tham gia tái cơ cấu Bianfishco là một quyết định hợp lý và kịp thời.

"Trước đây, nếu SHB vào cuộc chỉ chậm khoảng chục ngày, nguy cơ các hộ dân nuôi thủy sản phá sản hàng loạt, hàng nghìn công nhân mất việc, các ngân hàng mất vốn. Đến nay, mọi cái đã ổn định, lượng xuất khẩu của Bianfishco tăng lên từng năm và đã bắt đầu có lãi", ông Hiển cho biết.

Và điểm chờ đợi còn lại…

Như trên, gánh nặng từ sáp nhập Habubank, tái cơ cấu Bianfishco cơ bản đã gọn, lợi nhuận SHB tăng tốc mạnh từ 2017. Tuy nhiên, giá cổ phiếu ngân hàng này vẫn nằm dưới mệnh giá nhiều năm qua và cho đến nay.

Bao giờ giá cổ phiếu SHB mới trở lại mệnh giá là điểm chờ đợi còn lại, khi mà dòng "cổ phiếu vua" một thời đã lần lượt tăng cao trong năm nay.

Từ sáp nhập Habubank, SHB có thêm lượng lớn cổ đông nhỏ lẻ; quy mô lên tới 40.000 - 50.000 cổ đông từng thời điểm. Cơ cấu này phản ánh độ loãng của sở hữu, gắn với áp lực nhất định trong diễn biến giao dịch cổ phiếu trên sàn.

Mặt khác, trước sáp nhập, giá cổ phiếu SHB ở quanh mức 11.000 đồng/cổ phiếu. Việc sáp nhập Habubank (với mức giá khoảng 6.500 - 6.700 đồng/cổ phiếu trước đây) được xem là một trong những yếu tố níu kéo.

Từ chối nói về diễn biến giá cổ phiếu, song ông Đỗ Quang Hiển cho rằng, nếu doanh nghiệp tốt, hoạt động kinh doanh tốt thì giá sẽ đi lên bền vững. Cùng đó, Chủ tịch SHB cho biết, cơ cấu cổ đông ngân hàng đã có nhiều thay đổi thời gian qua.

Năm 2016, Tập đoàn Cao su đã thoái vốn xong tại SHB. Năm 2017, cơ cấu cổ đông ngân hàng này tiếp tục thay đổi khi sáp nhập Công ty Tài chính Viettel - Vinaconex (VVF). Tuy nhiên, ngay trước thềm sáp nhập đầu 2017, cả Viettel và Vinaconex đều đã thoái xong.

Gần đây, quãng giao dịch ở cổ phiếu SHB cũng cho thấy hướng thay đổi trên. Theo cách nói của giới đầu tư, cổ đông SHB đang có dấu hiệu "thay máu" qua loạt phiên có quy mô giao dịch lên tới 30 - 37 triệu cổ phiếu/phiên.

Giá cổ phiếu SHB vừa qua đã có lúc lên 9.900 đồng/cổ phiếu. Nhưng cho đến nay, vượt mốc mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu vẫn là điểm được chờ đợi, sau 5 năm sáp nhập Habubank.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến