Gạo Nhật trở thành thực phẩm xa xỉ được ưa chuộng tại Trung Quốc
27/01/2015 18:35:40
ANTT.VN - Số lượng gạo của Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chưa phải là con số quá lớn: 160 tấn trong năm ngoái tuy nhiên con số này đã gấp 3 lần so với năm 2013, một xu hướng cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang mất lòng tin vào những sản phẩm nông nghiệp nội địa

Tin liên quan

Người tiêu dùng Trung Quốc đã dần bổ sung gạo Nhật vào danh sách những món ăn nhập khẩu xa xỉ hàng ngày bởi lo ngại gạo trong nước không đáp ứng được những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
 
Số lượng gạo của Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chưa phải là con số quá lớn: 160 tấn trong năm ngoái tuy nhiên con số này đã gấp 3 lần so với năm 2013, xu hướng này cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang mất lòng tin vào những sản phẩm nông nghiệp nội địa.

Một thương nhân lên là Ying Ying cho biết: “các nông dân Trung Quốc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu”. Ông Ying đã bắt đầu chào hàng gạo Nhật Bản trên trang web thương mại điện tử nổi tiếng Taobao từ tháng 7 năm ngoái."Gạo Nhật không bị nhiễm các chất kim loại nặng”, ông bổ sung.

Ô nhiễm do công nghiệp hóa đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên đất và nước của Trung Quốc. Vào tháng 5/2013 các giới chức tỉnh Quảng Đông tại phía bắc Trung Quốc cho biết 44%  mẫu gạo tại đây chứa chất cadmium kim loại cao hơn mức cho phép. Cadmium (Cd) là  một chất độc hại. Người tiếp xúc dài ngày trong môi trường có chứa Cd hoặc ăn loại thực phẩm có chứa lượng Cd cao sẽ gây nhiễm độc mãn tính và có nguy cơ ung thư.

Một nghiên cứu của Bộ Bảo vệ Môi trường tháng 4 năm ngoái ước lượng 16,1% đất tại Trung Quốc bị nhiễm độc. Ô nhiễm đất nghiêm trọng đến mức tại một số khu vực đồng quê những người dân Trung Quốc còn không dùng gạo mình sản xuất làm thực phẩm hàng ngày.

Sau khi những số liệu về lượng chất độc cadmium được công bố, một số người tiêu dùng đã chuyển hướng sang dùng gạo Thái Lan như một thực phẩm thay thế có giá cả phải chăng và an toàn.

Ngược lại, gạo Nhật không rẻ và cũng không dễ tìm tại Trung Quốc. Gạo nhập khẩu từ Nhật được bán với giá 74 Nhân dân tệ (tương đương 12$)/kg tại Pin Store, một siêu thị trực tuyến do doanh nhân người Nhật làm chủ. Trong khi đó, gạo Trung Quốc được bán với giá khoảng 7,5 Nhân dân tệ (1,3$)/kg, thấp hơn gấp 10 lần so với gạo Nhật.

Thậm chí nhu cầu dùng gạo Nhật tăng cao đã thúc đẩy người tiêu dùng Trung Quốc tìm đến những gian hàng thực phẩm trực tiếp trên Taobao, Alibaba để mua gạo trực tiếp từ những thương nhân Nhật Bản.

Có người đã trả giá 241$ cho 5 kg gạo Nhật, theo Taobao cho biết.

Một người mua hồ hởi chia sẻ trên trang web thương mại điện tử Taobao: “Gạo Nhật ngon hơn nhiều so với gạo Trung Quốc, thực sự rất đáng đồng tiền bát gạo, kết cấu và hương vị điều tuyệt vời.”

Gạo Nhật trồng tại Trung Quốc

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các nhà sản xuất Trung Quốc cho biết họ có thể sử dụng hạt giống từ Nhật Bản và quảng cáo sản phẩm của mình với những lời lẽ hấp dẫn hơn.

Công ty TNHH kỹ thuật nông nghiệp Nguyệt Quang Tân Tạ Triết Giang cho biết nhãn hiệu gạo Echizen của công ty này vô cùng an toàn và được trồng với “nguồn nước trong sạch được kiểm kê gắt gao.” Bao bì của sản phẩm cũng viết đây là gạo của Nhật.

Tuy nhiên gạo Echizen lại được trồng tại huyện Trường Hưng, một khu vực tập trung sản xuất pin chì axit lớn phía đông tỉnh Chiết Giang. Công nghiệp sản xuất pin thường tạo ra hệ lụy ô nhiễm môi trường nặng nề.

Li Jun, giám đốc của công ty này khăng khăng cho rằng sản phẩm của mình đã vượt qua những bài kiểm tra chất lượng nhằm đo lường lượng chì, cadmium, đồng, thuốc trừ sâu và những hóa chất khác do thanh tra thành phố thực hiện.

Công ty này cũng đã tìm thấy những khu vực khác để trồng gạo, những nơi ít thị phi về vấn đề ô nhiễm môi trường hơn, ông Li cho biết.

Người Trung Quốc tiêu thụ khoảng 120 triệu tấn gạo mỗi năm và quốc gia này đã nhập khẩu hơn 2,2 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm 2014; bao gồm 1,2 triệu tấn từ Việt nam và 626.000 tấn từ Thái Lan.

So với Việt Nam và Thái Lan, Nhật Bản chỉ là nhà xuất khẩu gạo nhỏ với số lượng khiêm tốn chỉ 3.777 tấn trong cùng khoảng thời gian trên tuy nhiên đã góp phần đẩy mạnh việc thông thương hàng hóa giữa các nước châu Á qua việc xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn.

Tú Anh (theo Bloomberg)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến