Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 7/3, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 513-517 USD/tấn đối với loại 5% tấm và 488-492 USD/tấn với gạo 25% tấm. Các loại gạo khác như Jasmine dao động 563-567 USD/tấn, gạo 100% tấm có giá 438 USD-442 USD/tấn.
Xét về cùng loại, giá gạo Việt Nam đang cao hơn 5-7 USD/tấn so với Thái Lan, và vượt xa so với gạo Ấn Độ, Pakistan. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện được chào bán 508-512 USD/tấn. Của Ấn Độ là 398-402 USD/tấn, còn gạo Pakistan được chào bán với giá 438-442 USD/tấn.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, các hiệp định thương mại tự do đang mở cánh cửa rộng cho gạo xuất khẩu Việt Nam. Trong những ngày đầu năm 2021, nhiều công ty thuộc hiệp hội đã trúng gói thầu lớn, đặc biệt là với thị trường châu Âu và một số thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu trên 608.768 tấn gạo các loại, kim ngạch đạt 336,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo của Việt Nam 2 tháng đầu năm giảm khoảng 34% về khối lượng nhưng lại tăng 22% giá trị kim ngạch.
“Chưa bao giờ gạo của Việt Nam đạt được mức giá cao như thế này. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện và có giá trị cao khi chào bán”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, hiện tại, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tiếp tục đẩy mạnh thu hoạch lúa Đông Xuân, một số địa phương đang lên kế hoạch xuống giống cho vụ Hè Thu. Chẳng hạn, tỉnh Hậu Giang có kế hoạch xuống giống đạt khoảng 76.000ha, với tổng sản lượng dự kiến 489.166 tấn…Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu cũng đang ở mức rất tốt (giá lúa ở ĐBSCL bình quân lên tới 7.000 đồng/kg). Đây là thời cơ rất tốt cho ngành lúa gạo nước ta trong thời gian tới.
PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, xuất khẩu gạo năm nay của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng về giá trị và vượt các nước đối thủ. Việc duy trì giá cao hơn gạo Thái Lan như năm ngoái là điều khả thi.
“Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được thực thi đã giúp Việt Nam bước một chân vào thị trường châu Âu. Trong bối cảnh, các nước đối thủ đang gặp khó khăn, DN Việt cần tận dụng cơ hội để chiếm lĩnh thị trường này”, ông Anh nói.
Muốn làm được điều này, theo ông Anh, xuất khẩu gạo của Việt Nam không cần tập trung quá vào loại đặc sản, mà cần tập trung giữ chất lượng ổn định. Bởi mỗi lần cung ứng thất thường sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam. Doanh nghiệp và nông dân cần liên kết chặt chẽ để có vùng nguyên liệu ổn định, đồng thời có sự kiểm soát, chứ không phải gặp chỗ nào, mua chỗ đấy.
Tác giả: Dương Hưng