Dòng sự kiện:
Gạt nỗi lo tiền đồng mất giá
08/07/2021 20:03:01
Đồng tiền Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi, tích cực để củng cố sức mạnh.

Theo dự báo của UOB Việt Nam, tỷ giá USD/VND sẽ ổn định quanh vùng 23.000 tới giữa năm 2022
 
Vĩ mô trong nước ổn định

Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 có mức độ phức tạp hơn so với ba đợt trước. Tuy nhiên, thông tin được ông Phan Thanh Tịnh, chủ doanh nghiệp sản xuất bao bì xuất khẩu đóng tại Đồng Nai chia sẻ, thương mại nội địa gián đoạn do dịch bệnh bởi gia tăng chi phí nhưng quan hệ thương mại với các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc còn tốt hơn giờ này năm ngoái.

“Xuất, nhập khẩu hàng hóa diễn ra khá nhịp nhàng, thậm chí doanh nghiệp còn nhập máy móc, nguyên vật liệu nhiều hơn do có những đơn đặt hàng lớn”, ông Tịnh nói.

Sự tích cực của thị trường xuất khẩu đã thể hiện qua số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,95 tỷ USD, chủ yếu vào máy móc, nguyên vật liệu và thiết bị, toàn bộ hầu như để phục vụ xuất khẩu.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho rằng: “Doanh nghiệp có đơn đặt hàng mới, nhiều và mở rộng được sản xuất - kinh doanh là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô”.

Cũng theo ông Trung, cung - cầu xuất nhập khẩu diễn ra bình thường là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ ổn định tỷ giá bên cạnh yếu tố vẫn tiếp tục tăng trưởng kinh tế và lạm phát được kiểm soát tốt.

Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. CPI bình quân quý II tăng 0,45% so với quý trước và tăng 2,67% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.

Cung - cầu xuất nhập khẩu diễn ra bình thường là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB

“Dự trữ ngoại hối liên tục được bồi đắp lên mức gần 100 tỷ USD, tăng 10 lần trong 10 năm qua là bệ đỡ quan trọng để VND được đánh giá là một trong những đồng tiền có diễn biến ổn định nhất so với các đồng tiền khác trong khu vực những năm gần đây”, bà Hoàng Nữ Ngọc Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng (VIRA) nêu quan điểm.

Ngày 30/6/2021, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.178 VND/USD, chỉ tăng 1 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua USD kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.975 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.823 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.011 VND/USD, giảm 11 đồng so với phiên 29/6/2021. Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục tăng 20 đồng/USD ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.320 - 23.400 VND/USD.

“Đà mua ngoại tệ chững lại sau khi thị trường thiếu vắng nhu cầu giao dịch thực từ khách hàng, cặp tỷ giá giảm về lại mức 23.000 USD/VND. Đây là mức được xem là ngưỡng hỗ trợ vững chắc trong thời điểm hiện tại”, một lãnh đạo phòng kinh doanh tiền tệ và vốn, HSBC Việt Nam nhận định.

Bà Trịnh Thị Thanh, Giám đốc Khối Quản trị tài chính và nguồn vốn SCB nêu quan điểm: “Cung - cầu ngoại tệ trong nước khá cân bằng, dòng kiều hối và FDI vẫn khá tích cực nên tỷ giá USD/VND sẽ vẫn ổn định trong dài hạn nhưng có thể chịu áp lực tăng trong ngắn hạn do nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của một số doanh nghiệp nước ngoài vào thời điểm cuối quý”.

Sự ủng hộ từ bên ngoài

Song hành với những yếu tố trong nước hỗ trợ đồng Việt Nam ổn định là tình hình quốc tế. Cuối tháng 6, Chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell khẳng định, Fed sẽ không tăng lãi suất chỉ bởi nỗi lo lạm phát. Chỉ số lạm phát lõi PCE tháng 5 của Mỹ tăng 0,5% so với tháng trước và 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng nằm trong mức kỳ vọng của thị trường. Cùng với đó, cán cân vãng lai của Mỹ thâm hụt tới 195,7 tỷ USD trong quý I/2021 - mức thâm hụt lớn nhất kể từ năm 2007.

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng phát đi thông điệp không thay đổi chính sách tiền tệ, đồng thời quốc gia này đón một số thông tin quan trọng. Cụ thể, trong phiên họp ngày 24/6/2021, BOE nhận định kinh tế nước Anh sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay và có thể về mức trước khi bị đại dịch Covid-19 tác động. Lạm phát được dự báo sẽ tạm tăng vượt lên trên mức 2,0%, chủ yếu do diễn biến của giá năng lượng. Khi các yếu tố tác động nhất thời mờ đi, lạm phát sẽ quay trở lại khoảng 2,0% trong trung hạn.

Theo đó, BOE cho rằng, “các chính sách tiền tệ hiện tại vẫn phù hợp. BOE quyết định duy trì lãi suất cơ sở ở mức thấp 0,1%, đồng thời tiếp tục nắm giữ trái phiếu chính phủ ở mức 875 tỷ và trái phiếu doanh nghiệp ở mức 20 tỷ GBP, không thay đổi so với trước”.

Quay trở lại thị trường Việt Nam, bà Thủy nêu quan điểm, từ chính sách tỷ giá trung tâm năm 2016 đến chính sách giao dịch mua/bán ngoại tệ linh hoạt kỳ hạn năm 2018… đều cho thấy rõ một điều là, chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đang trở nên ngày càng linh hoạt hơn và hàm chứa tính thị trường nhạy bén hơn. Theo đó, tỷ giá USD/VND không còn đi trên con đường một chiều mà con đường đó đã được rộng mở hơn, có thể tăng, có thể giảm trong biên độ phù hợp gắn liền với điều kiện thực tế và các mục tiêu vĩ mô của nhà điều hành.

“Tất nhiên, sẽ còn nhiều thử thách phía trước mà kinh tế Việt Nam nói chung và đồng nội tệ của Việt Nam nói riêng cần chinh phục, nhưng không thể phủ nhận chúng ta đang có nhiều điều kiện thuận lợi, tích cực trong vòng hơn một thập kỷ gần đây để củng cố sức mạnh. Vì vậy, nếu không có những biến động bất ngờ từ môi trường quốc tế, chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu tỷ giá USD/VND duy trì đà giảm vừa phải trong một vài năm tới”, bà Thủy dự báo.

Nhận định tương tự được đưa ra từ Phó tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung, “tiền đồng vẫn tiếp tục ổn định và có xu hướng mạnh lên chứ không mất giá”.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành, Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam phân tích, sau khi đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ vào tháng 4/2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tương tác cấp cao với Việt Nam về các chính sách quản lý ngoại hối. Tiếp theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã giảm tần suất can thiệp ngoại hối (để ổn định giá trị VND) từ mỗi ngày sang một lần một tuần kể từ tháng 2/2021. Các diễn biến này cho thấy, áp lực mất giá lên VND sẽ không đáng kể đi cùng sự giám sát của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ.

“Cập nhật của chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND có thể đứng ở mức 23.000 trong quý III/2021 và quý IV/2021, tiếp theo là 23.100 trong quý I/2022 và 23.200 trong quý II/2022”, ông Quang cho biết.

Tác giả: Hồng Dung

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến