Diễn biến thị trường chung trong thời gian gần đây đang đi đúng như những nhận định đã được đưa ra trước Tết Nguyên đán, khi thị trường quay về với quỹ đạo thực tế bởi những khó khăn vẫn còn nguyên. Những đợt sóng nhỏ lẻ diễn ra trong chớp nhoáng rồi nhanh chóng vụt tắt trong bối cảnh chỉ số chung “mất nhiều hơn được” – bởi những phiên giảm sâu và chỉ hồi nhẹ sau đó, đang dần khiến niềm tin của nhà đầu tư dần vơi đi. Điều này được minh chứng qua mức thanh khoản thị trường ngày càng giảm mạnh.
Trong phiên giao dịch sáng nay, sau phần lớn thời gian lình xình giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu, áp lực bán gia tăng về cuối phiên đã đẩy VN-Index về sát ngưỡng 1.060 điểm, đồng thời thanh khoản toàn sàn HOSE chỉ đạt hơn 3.000 tỷ đồng.
Nỗ lực giữ mốc 1.060 điểm đã nhanh chóng bị dập tắt ngay khi mở cửa phiên giao dịch chiều khi áp lực bán tiếp tục lan rộng trên thị trường.
Mặc dù tia hy vọng xanh có trở lại sau hơn 1 giờ giao dịch, nhưng việc tận dụng nhịp hồi để thoát hàng nhanh của nhà đầu tư khiến VN-Index quay đầu điều chỉnh và dần nới rộng đà giảm điểm khi nhóm bluechip gia tăng thêm sức ép lên thị trường.
Thị trường đã kết thúc phiên cuối tuần không mấy khả quan khi sắc đỏ chiếm áp đảo bảng điện tử với số mã giảm điểm gấp hơn 3 lần số mã tăng, nhưng VN-Index vẫn nằm trong vùng được khối phân tích đánh giá là an toàn – vùng 1.050 – 1.060 điểm. Điểm đáng chú ý vẫn là thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh mẽ, xuống mức thấp nhất trong khoảng 2,5 tháng, từ phiên giao dịch ngày 23/11/2022.
Đóng cửa, sàn HOSE có 93 mã tăng và 306 mã giảm, VN-Index giảm 8,73 điểm (-0,82%), xuống 1.055,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 463,94 triệu đơn vị, giá trị 8.160,93 tỷ đồng, giảm gần 2,1% về khối lượng và 11,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 58 triệu đơn vị, giá trị 1.490,2 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn trong xu hướng giảm sâu hơn cùng thị trường khi để mất hơn 11 điểm, lùi về dưới mốc 1.050 điểm khi có tới 20 mã giảm và chỉ có 6 mã tăng. Trong đó, bộ 3 gồm VCB và VNM đang là những mã phanh chính giúp VN-Index bớt phần nào đà giảm sâu, khi cùng đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày với mức tăng tương ứng 1,6% và 1,2%.
Tuy nhiên, đà tăng của anh cả VCB không thể giúp dòng bank ngược dòng thành công khi hầu hết các cổ phiếu còn lại đều lùi sâu hơn. Điển hình như VIB giảm 4,5%, STB giảm 3,3%, TPB giảm 2,9%, VPB giảm 2,8%, BID giảm 2,4%, các mã TCB, ACB, CTG cũng đều giảm hơn 1%.
Đáng chú ý là EIB. Bên cạnh những thông tin như lần đầu tiên sau cả một thập kỷ “im ắng”, Ngân hàng đã thông báo chốt danh sách cổ đông chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu và mới đây là thực hiện điều chỉnh room ngoại xuống dưới 30% trước thềm ĐHCĐ bất thường lần 2, cổ phiếu EIB bất ngờ đảo chiều lao dốc mạnh trong phiên chiều nay. Đóng cửa, EIB giảm 6,9% xuống mức giá sàn 22.950 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 4,99 triệu đơn vị.
Tuy vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là đóng góp lớn cho thanh khoản thị trường với STB dẫn đầu, đạt gần 16,17 triệu đơn vị khớp lệnh, ngoài ra có VPB khớp hơn 13,1 triệu đơn vị, LPB ngược dòng khi tăng 1,1% và giao dịch sôi động với hơn 11,92 triệu đơn vị khớp lệnh.
Bên cạnh diễn biến giật lùi của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu nhạy cảm nhất với thị trường là chứng khoán cũng không thoát khỏi đà giảm sâu hơn.
Trong đó, VND giảm 2,8% xuống mức thấp nhất trong ngày 14.000 đồng/CP và thanh khoản thuộc top 3, đạt hơn 13,5 triệu đơn vị; SSI giảm 1,8% xuống 19.000 đồng/CP và khớp 9,54 triệu đơn vị, VIX giảm 3,6% xuống 7.160 đồng/CP và khớp 7,73 triệu đơn vị. Ngoài ra, VCI giảm 2,2%, HCM giảm 1,5%, VDS giảm 3%, BSI giảm 2,7%, CTS giảm 2,5%, FTS giảm 2,1%...
Nhóm bất động sản hầu hết cũng chuyển đỏ, chỉ còn vài mã như VHM, KDH, VPI, NLG tăng nhẹ. Trong khi nhiều mã ở top vừa và nhỏ giảm mạnh như DXG giảm 5,7%, DIG giảm 4,1%, LCG giảm 3,3%, KHG giảm sàn, KBC giảm 5,3%, VCG giảm 2,8%, HHV giảm 3,2%...
Trên sàn HNX, thị trường vẫn duy trì đà giảm cả về chỉ số và thanh khoản.
Đóng cửa, sàn HNX có 54 mã tăng và 116 mã giảm, HNX-Index giảm 2,42 điểm (-1,15%) xuống 208,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 48,74 triệu đơn vị, giá trị 692,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,49 triệu đơn vị, giá trị 68,92 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, nhóm HNX30 chủ yếu mất điểm, chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh gồm BCC tăng 2,9%, DXP tăng 2%, IDC tăng 1,9% và DDG tăng nhẹ 9,7%; trong khi đó tới 23 mã giảm điểm.
Đáng kể vẫn là cặp đôi nhà than gồm TVD đóng cửa tại mức giá sàn và NBC giảm 8,6%. Ngoài ra, nhiều mã khác trong nhóm than cũng giảm mạnh như MDC giảm sàn, TC6 giảm 7,9%, THT giảm 7,8%, HLC và TDN cùng giảm 5,5%...
Trong khi đó, cổ phiếu SHS vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 8,23 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa giảm 1,2% xuống 8.500 đồng/CP. Các cổ phiếu khác trong nhóm chứng khoán cũng trong xu hướng chung của ngành như MBS giảm 2,2%, APS giảm 3,2%, VIG giảm 5,5%, BVS giảm 2,2%, TVC giảm 2%...
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản vẫn là cặp đôi CEO và PVS lần lượt khớp 6,56 triệu đơn vị và 3,14 triệu đơn vị, đóng cửa đều giảm điểm, tương ứng giảm 0,9% và 2,5%.
Trên UPCoM, thị trường cũng trong xu hướng chung – yếu hơn trong phiên chiều khi có những nhịp rung lắc nhẹ, nhưng vẫn may mắn thoát hiểm thành công.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,11%), lên 77,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 28,88 triệu đơn vị, giá trị 285,39 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,35 triệu đơn vị, giá trị 24,67 tỷ đồng.
Các cổ phiếu giao dịch sôi động trên thị trường đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, BSR dẫn đầu khi khớp 5,21 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,8% xuống mức 16.300 đồng/CP.
Tiếp theo là PVX khớp 2,4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 11,5% xuống mức giá sàn 2.300 đồng/CP và C4G khớp 2,14 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,8% xuống 10.700 đồng/CP.
Các cổ phiếu khác như ABB, SBS, LMH khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị cũng đều đóng cửa giảm trên dưới 2%.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, trong đó, VN30F2302 đáo hạn vào tuần sau giảm 12 điểm, tương đương -1,1% xuống 1.045 điểm, khớp lệnh hơn 258.650 đơn vị, khối lượng mở hơn 46.720 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm thế áp đảo, với CPOW2209 phiên này khớp lệnh cao nhất đạt 1,52 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 15,4% xuống 110 đồng/cq.
Tác giả: T.Thúy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy