Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố chỉ số kinh tế 6 tháng đầu năm, cho thấy “dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế 2 quý đầu vẫn ấn tượng-tích cực, đạt 5,64% còn lạm phát chỉ ở mức 1,47% - là nền tảng hướng tới mục tiêu GDP cả năm, được Quốc hội đề ra”.
Nói vậy không có nghĩa mọi ngả đường hướng tới mục tiêu này đều thuận lợi. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, “đang hiện hữu những lực cản, đang lẩn khuất những khó khăn và cũng không ngoại trừ trường hợp nền kinh tế phải đón nhận những cú sốc khách quan-đột ngột, cản trở tiến trình này”.
Tròn 1 năm trước, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng năm 2020 được công bố tăng 1,82%, là mức thấp nhất giai đoạn 2011-2020. Thời điểm đó, bất cứ ai cũng nhận diện được, nguyên nhân là do Covid-19 tác động bất ngờ-dữ dội-tiêu cực lên mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Kiểm soát lạm phát ở mức 4% là thách thức và “tăng trưởng kỳ vọng” là bài toán khó, trong bối cảnh hiện tại.
Đến nay, dù nhiều chuyên gia nhận định là “giai đoạn kinh tế ngấm đòn từ đại dịch”, GDP nửa đầu năm vẫn được công bố ở mức 5,64% - không chỉ cao hơn mà là cao gấp 3 lần cùng kỳ trước. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận về sự tăng trưởng “đáng mừng” này, không riêng đối với chỉ số GDP.
“Tháng 12/2020, kinh tế Việt Nam đã xuống đến đáy của tăng trưởng, nên 6 tháng đầu năm nay đã vực lại đạt mức tăng trưởng 5,64%, đây là sức bật cần phải có chứ không phải là ngoạn mục nhưng vẫn cần nhìn nhận đó là dấu hiệu mừng. Chỉ số thứ 2 là lạm phát, trong 6 tháng đầu năm kiểm soát được cũng là đáng mừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như thế này, chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng 5,6% là tốt rồi, không kỳ vọng đạt tới mức 7% như một số thông tin”, ông Hiếu nói.
Không phủ nhận, nguyên nhân của sự tăng trưởng mạnh 6 tháng đầu năm nay - so với cùng kỳ trước, là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch – thực hiện “mục tiêu kép.
Tuy nhiên, tính thích ứng trong cộng đồng đã tốt hơn, nên “sức bật” cũng tốt hơn - không đồng nghĩa toàn nền kinh tế đã-đang tạo dựng được một nền tảng tốt cho những giai đoạn kinh tế phía trước.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam đồng thuận quan điểm này. Ông dẫn chứng cho rằng, “dù lạm phát đang được kiểm soát, nguy cơ bùng nổ lạm phát là khó tránh khỏi trong thời gian tới”, cùng với đó là nhiều rủi ro khác.
Cụ thể là kinh tế vĩ mô tích cực nhưng chỉ số giá nguyên vật liệu tiêu dùng cho sản xuất tăng, dù chưa tác động tới lạm phát hiện tại nhưng ẩn chứa nguy cơ ảnh hưởng chỉ số giá tiêu dùng, cũng như chỉ số lạm phát trong những tháng cuối năm, thậm chí những năm tới. Tỉ lệ nhập siêu một phần do chúng ta nhập nhiều nguyên nhiên vật liệu nhưng cũng có 1 nguyên nhân là tỉ giá thương mại của đồng Việt Nam có mức kém thuận lợi hơn so với trước, ảnh hưởng đến tính thuận lợi và cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
“Ngoài ra, số việc làm được tạo ra nhiều hơn trước nhưng tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng; tỷ lệ tích lũy tài sản của người dân có tăng nhưng đại dịch cũng khiến lao động tự do - khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng nhiều. Nếu không sớm khắc phục, độ giãn cách thu nhập, giàu-nghèo của Việt Nam có thể bị mở rộng. Đó là những điều cần lưu ý trong thời gian tới”, ông Bình nhận định.
Cùng với những bất cập của nền kinh tế như môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thoáng mở, các vấn đề pháp lý chưa tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, vai trò dẫn dắt của một số thành phần kinh tế chưa đạt như kỳ vọng… thì những thông tin mà các chuyên gia vừa chỉ rõ, cho thấy, nền kinh tế đang hiện hữu nhiều lực cản.
Nếu thêm vào đó là sự bất cẩn, lơ là với hoạt động phòng-chống dịch – mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng khó có thể đạt được. Thế cho nên, một số chuyên gia nhận dịnh, kiểm soát lạm phát ở mức 4% là thách thức - “Tăng trưởng kỳ vọng” là bài toán khó, trong bối cảnh hiện tại.
Vậy giải pháp nào giúp nền kinh tế đạt được hiệu quả tích cực-tối đa trong giai đoạn tiếp theo, ít nhất là 6 tháng tới đây? Ngoài nỗ lực kéo giảm tác động tiêu cực từ những lực cản đang hiện hữu, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị: Cần triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc trong các khu công nghiệp.
“Chính sách hỗ trợ cần đơn giản, hiệu quả và kịp thời, cần triển khai nhanh nhất có thể. Hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh”, bà Hương đề xuất.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nên cần những giải pháp cụ thể hơn. Ví dụ, có ý kiến cho rằng nên có một tổ hợp tín dụng với nguồn vốn khoảng 300.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước chủ trì gói tín dụng này, cùng Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, yêu cầu sự tham gia của tất cả các ngân hàng, cho vay với lãi suất thấp chỉ từ 3%-5%, trong vòng 5 năm tới – để hỗ trợ tối đa cho giới doanh nhân, doanh nghiệp.
Một ý kiến khác nêu bật vai trò của Nhà nước, cho rằng, về phía nhà nước và ngân sách nên tập trung hỗ trợ an sinh càng sớm càng tốt đối với người dân và triển khai kéo dài các giải pháp giãn, hoãn thuế-phí đối với doanh nghiệp… trên tinh thần đơn giản, thuận tiện, kịp thời.
Đây có thể coi là những ý kiến gợi mở, để cơ quan quản lý chọn lọc, nghiên cứu và lên phương án phù hợp. Trong tiến trình này, các chuyên gia có quan điểm chung là cần tiếp tục đẩy mạnh giải pháp chuyển đổi số và tận dụng tốt hơn nữa những thuận lợi-cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết…/.
Tác giả: Thu Trang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy