Dòng sự kiện:
'GDP Việt Nam sẽ giảm 6.000 tỷ đồng trong 5 năm tới vì cạnh tranh thương mại’
06/06/2019 21:51:06
Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, một số đánh giá cho biết GDP Việt Nam có thể giảm 0,2 - 0,3%. Thậm chí trong 5 năm tới, GDP có thể giảm 6.000 tỷ đồng.

Sáng ngày 6/6, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội.

Vấn đề cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi tới Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang vào hồi quyết liệt. Xin Phó thủ tướng cho biết thái độ ứng xử, hành động của chúng ta sao cho phù hợp và hiệu quả?”

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam, mà là mối quan tâm của cả thế giới.

"Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một trong 4 đám mây bao phủ kinh tế thế giới; đã có dự báo nếu chiến tranh thương mại kéo dài sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,5% xuống 3,2%", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng nhận định, về lâu dài, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động tới Việt Nam.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Theo Phó thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ cũng đã thành lập một ban chỉ đạo để nghiên cứu, đánh giá tình hình. Từ đó, ban chỉ đạo đưa ra kiến nghị chính sách cho nền kinh tế.

Đánh giá về ngắn hạn, Phó thủ tướng cho rằng cạnh tranh thương mại sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, về dài hạn, ông dẫn đánh giá cho thấy dấu hiệu kinh tế Việt Nam có thể giảm tốc.

“Một số đánh giá cho biết GDP Việt Nam có thể giảm 0,2-0,3%. Thậm chí trong 5 năm tới, GDP có thể giảm 6.000 tỷ đồng”, Phó thủ tướng phát biểu trước Quốc hội.

Nói về biện pháp, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đang xây dựng nhiều kịch bản và biện pháp cần thiết để đảm bảo ổn định của nền kinh tế, trong đó có việc ổn định kinh tế vĩ mô, linh hoạt tỷ giá, kiềm chế lạm phát, nâng cao năng lực các doanh nghiệp Việt Nam, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Ông cũng nêu thực trạng trong bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên.

“Việc đón nhận làn sóng đầu tư cần có chọn lọc vào lĩnh vực ưu tiên. Chúng ta sẽ ưu tiên chất lượng, đảm bảo môi trường, công nghệ tiên tiến. Cũng cần cảnh giác với việc hàng hóa nước ngoài thông qua Việt Nam, để vào các thị trường khác để trốn thuế, gian lận thương mại”, ông nói.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến