Dòng sự kiện:
Giá đất Thủ Thiêm ra sao nếu các doanh nghiệp bỏ cọc?
11/02/2022 08:37:33
Việc doanh nghiệp trúng đấu giá các lô đất tại Thủ Thiêm bỏ cọc, theo các chuyên gia sẽ mang lại cả tác động tiêu cực lẫn tích cực.

Mới đây, đại diện Cục thuế TP.HCM cho biết sau Công ty Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh), Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh đã có văn bản về việc xin không tiếp tục phát triển dự án.

Đây là 2 trong số 4 doanh nghiệp đã trúng đấu giá lô đất 3-9 và 3-12 ở Thủ Thiêm. Tổng giá trị trúng đấu giá của 2 lô đất lên đến gần 30.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng, trong quá trình đấu giá đất tại các địa phương, đã có hiện tượng đấu giá rất cao với một số lô đất, nhưng sau đó doanh nghiệp lại bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường.

Một số trường hợp có kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm đã có tác động đến thị trường bất động sản khu vực.

Việc các doanh nghiệp không thực hiện dự án trên các lô đất trúng đấu giá như kế hoạch sẽ tác động đến tâm lý thị trường trong thời gian tới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Giá bất động sản Thủ Thiêm tăng 10%

Chia sẻ với Zing, nhiều chuyên gia bất động sản cũng khẳng định việc các doanh nghiệp trúng đấu không thực hiện dự án trên các lô đất trúng đấu giá như kế hoạch sẽ tác động đến tâm lý thị trường trong thời gian tới.

Bình luận về vấn đề này, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Việt An Hòa cho rằng trong trường hợp các dự án được phát triển thành công, giá bán bất động sản trên thị trường sẽ được nâng lên một mức mới.

"Khi đấu giá 4 lô đất, các doanh nghiệp đã kỳ vọng vào từng mảnh đất, kế hoạch phát triển dự án và sản phẩm khi bán ra rằng chúng phù hợp với thị trường. Với sự phản ứng của xã hội quá lớn trước kết quả đấu giá đất tại Thủ Thiêm, các doanh nghiệp buộc phải nhìn nhận một cách thực tế hơn về kế hoạch đầu tư và kinh doanh ở 4 lô đất này", ông nói.

Theo ông, nếu tất cả doanh nghiệp có tâm lý dây chuyền bỏ cọc hết, thị trường vẫn sẽ nhìn nhận Thủ Thiêm là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Bởi, kết quả đấu giá đã tạo ra một tâm chấn về giá trị của bất động sản Thủ Thiêm.

"Câu chuyện lô đất 24.500 tỷ không thành nhưng giá căn hộ có thể lên đến 400-600 triệu đồng/m2 là có thật. Khi các doanh nghiệp trúng đấu chấm dứt hợp đồng mua 4 lô đất này, thị trường có thể bình ổn hơn nhưng thực tế giá bất động sản ở tất cả phân khúc đã tăng hơn 10% so với 3 tháng trước", ông Quang phân tích.

Vị này cho rằng thị trường đang hiểu ngầm rằng mức giá trúng đấu hoàn toàn khả thi để phát triển dự án, nhưng có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp phải ngưng kế hoạch.

Chính vì vậy, thị trường sẽ coi đây là mức giá trần, mặc dù đây là mức giá rất cao. Trong trường hợp các doanh nghiệp tiếp tục đóng tiền đúng theo quy định và phát triển dự án, thị trường sẽ xem đó là mức giá sàn và nâng lên từ mốc đó.

Tác động hai mặt

Bình luận về tác động của việc các doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc, ông Trần Khánh Quang cho rằng có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Về tích cực, điều này sẽ hạn chế được nguy cơ bong bóng bất động sản và cơn sốt bất động sản ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, về mặt tiêu cực, nó làm ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường trong mắt các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế.

"Từ khi thị trường mở cửa đến nay, việc minh bạch hóa là một trong những điều Việt Nam đang rất cố gắng làm. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc bước vào thị trường", ông Quang nói.

"Thủ Thiêm còn gần 60 lô đất chờ đấu giá, TP cần có những quy định rõ ràng để hướng đến sự phát triển TP Thủ Đức nói riêng và xa hơn là tính ổn định của thị trường bất động sản", ông Quang phân tích.

Thủ Thiêm luôn là một khu vực hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước với vị trí trung tâm của TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ở góc độ vĩ mô, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam cho rằng việc ổn định lại giá đất tại Thủ Thiêm sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản, hạn chế nguy cơ tăng giá đất trên cả nước và duy trì lợi thế giá đất rẻ trong sản xuất, kinh doanh trong con mắt của các nhà đầu tư quốc tế.

Điều này về dài hạn sẽ giúp duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam so với thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Cần cho rằng sự việc lần này sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn đến thị trường bất động sản. Bản chất thị trường bất động sản hiện nay được nâng đỡ bởi nhiều yếu tố.

Lô đất 3-12 được công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá ở mức 24.500 tỷ đồng sẽ có giá trị đầu tư khả thi ở mốc 9.000-10.000 tỷ đồng

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam

Thứ nhất là trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi khi không mở rộng vào các hoạt động kinh doanh mà chuyển sang đầu tư bất động sản.

Thứ hai, lãi suất vay ngân hàng đang ở mức khá thấp. Thứ ba là nguồn cung khan hiếm. Cuối cùng là người dân đang có tâm lý lo ngại lạm phát tăng cao.

Ngoài ra, ở góc độ của một chuyên gia tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, ông Cần đánh giá các lô đất tại Thủ Thiêm trong thời gian tới sẽ quay về với giá trị thật của chúng.

Đơn cử, vị này dẫn chứng lô đất 3-12 được công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá ở mức 24.500 tỷ đồng sẽ có giá trị đầu tư khả thi ở mốc 9.000-10.000 tỷ đồng.

Ông Phan Xuân Cần một lần nữa khẳng định, dù có một vài doanh nghiệp bỏ cọc sau cuộc đấu giá vừa qua, Thủ Thiêm vẫn luôn là một khu vực hấp dẫn với vị trí trung tâm của TP.HCM.

Tác giả: Hà Bùi

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến