Khai thác dầu khí thắng lớn
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới công bố kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2022, cùng kế hoạch kinh doanh tháng 3. Theo đó, 2 tháng đầu năm, PVN khai thác đạt 1,78 triệu tấn dầu, vượt 24% kế hoạch. Sản xuất xăng dầu, đạm và các sản phẩm khác vượt kế hoạch đề ra; sản xuất điện, khí gia tăng so với tháng trước.
Luỹ kế 2 tháng đầu năm, tổng doanh thu toàn PVN ước đạt 118.730 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch 2 tháng và tăng 46% so với cùng kỳ 2021. PVN nộp ngân sách hơn 18.000 tỷ đồng hai tháng qua.
Theo PVN, những kết quả này không lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô mà trải đều ở tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn.
Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đang là lĩnh vực cốt lõi của PVN. Các công ty con, công ty liên kết đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí của PVN như Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) mang về nguồn lợi nhuận lớn cho PVN.
Về phía PVEP - công ty giữ vai trò chủ lực của PVN, hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam và nước ngoài. Sản lượng khai thác trong tháng 2 của công ty này đạt 0,29 triệu tấn quy dầu, vượt 17% kế hoạch tháng.
Trong đó, sản lượng dầu và condensate đạt 0,19 triệu tấn, vượt 5% kế hoạch tháng; sản lượng khí xuất đạt 95 triệu m3, bằng 151% kế hoạch tháng.
Trên cơ sở khối lượng khai thác dầu khí và giá bán dầu/khí thực tế cao hơn so với giá dầu kế hoạch, PVEP tiếp tục hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính trong tháng. Cụ thể, tổng doanh thu tháng 2 là 3.237 tỷ đồng, đạt 140% kế hoạch tháng; cộng dồn 2 tháng là 6.989 tỷ đồng, đạt 151% kế hoạch 2 tháng, 27% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế tháng 2 là 1.635 tỷ đồng; cộng dồn 2 tháng là 3.473 tỷ đồng, đạt 265% kế hoạch 2 tháng, 60% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế là tháng 2 là 920 tỷ đồng; cộng dồn 2 tháng là 2.010 tỷ đồng, đạt 246% kế hoạch năm. Tính chung 2 tháng, PVEP đã nộp ngân sách nhà nước hơn 3.523 tỷ đồng.
Rủi ro cho ngành dầu khí trong nước
Mới đây, PVN đã có cuộc giao ban lãnh đạo tập đoàn với các đơn vị nhằm cập nhật tình hình thị trường và diễn biến xung đột chính trị thế giới, nhằm nhận diện và đưa ra giải pháp ứng phó, quản trị, điều hành trong tình hình mới.
Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV PVN nhận định, cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động làm giá nhiên liệu, dầu thô tăng cao, nhưng sự biến động giá có thể sẽ chỉ trong ngắn hạn. Xu thế chuyển dịch năng lượng vẫn chính yếu, không thể đảo ngược và đang được thúc đẩy. Tuy nhiên, đây vẫn là cơ hội cần được tận dụng tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc.
Ngược lại, giá dầu tăng cũng đem lại những rủi ro cho ngành dầu khí trong nước. Trước tiên, thị trường giá dầu biến động mạnh, khó dự báo, dẫn tới chi phí sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng tới tiêu thụ.
Thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi của PVN.
Mặt khác, ngành năng lượng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thiết bị của Nga, nên sẽ gặp phải những khó khăn, rào cản trong tương lai nếu chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế. Việc phát triển mỏ và khoan thăm dò tại một số mỏ dầu có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Lãnh đạo PVN cho rằng, tác động từ tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước làm gia tăng áp lực lạm phát, đẩy nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu lên cao.
Ông Trần Hồng Nam - Tổng Giám đốc PVEP nhận định, ngoài thuận lợi trong ngắn hạn khi giá dầu tăng, rủi ro sắp tới là rất lớn. Với tình hình căng thẳng Nga - Ukraine leo thang hiện nay, sẽ khó dự báo được về lạm phát, chi phí tăng, khủng hoảng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ giảm sút, ảnh hưởng đến các hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
PVEP hiện đã có những kế hoạch sản xuất phù hợp, rà soát danh mục đầu tư nhằm đáp ứng trước biến động của thị trường, dự phòng rủi ro, cũng như tận dụng những cơ hội có thể có.
Giá dầu Brent trong vài ngày trước đã có những thời điểm được giao dịch trên mốc 130 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 7/2008 trước khi hạ nhiệt về dưới mốc 110 USD. Tuy vậy, giá dầu vẫn đang neo trên mức 100 USD/thùng.
Giá dầu Brent 6 tháng qua (Ảnh: TradingEconomics).
Trong báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BSC) cũng cho rằng, dầu khí là một trong 3 nhóm ngành được hưởng lợi từ giá dầu tăng.
Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới sau UAE và Arab Saudi, với tổng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ đạt khoảng 10 triệu thùng một ngày. Sự gián đoạn trong các chuyến dầu từ Nga tới các đường ống ở châu Âu sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng toàn cầu. Giá dầu sẽ khó hạ nhiệt sớm, dù Mỹ đang tìm cách gia tăng sức ép và xả kho dự trữ dầu nhằm khắc phục nguồn cung trong ngắn hạn.
Bối cảnh này, BSC kỳ vọng các dự án thăm dò, khai thác sẽ sôi động trở lại nhờ nhu cầu khai thác tăng, và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi như Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) hay Tổng Công ty Cổ phần Khoan, Thăm dò dầu khí (PVD) sẽ có được các hợp đồng mới, giá trị cao hơn.
Với nhóm trung nguồn, theo các chuyên gia phân tích của BSC, nhu cầu vận tải dầu năm 2022 tăng khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa dầu từ các dự án Dung Quất, Nghi Sơn hồi phục.
Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng hệ thống kho chứa. Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) hiện chiếm toàn bộ thị phần vận tải dầu thô và LPG trong nước, còn Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) đang đầu tư vào các dự án LNG Thị Vải giai đoạn 2 và LNG Sơn Mỹ giai đoạn 1 nhiều tiềm năng trong thời gian tới.
PVN không thể vừa xuất, vừa nhập dầu thô Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa qua, Phó Thủ tướng yêu cầu PVN đẩy nhanh đầu tư dự án lọc hoá dầu, đảm bảo đủ nhu cầu xăng dầu trong nước và tránh chuyện vừa xuất, lại vừa nhập dầu thô. “Dứt khoát phải đổi mới, nếu vướng ở cơ chế, chính sách thì sửa ngay. Không thể để trong cùng Tập đoàn PVN mà đơn vị này khai thác, xuất khẩu dầu thô, đơn vị khác lại đi nhập khẩu dầu thô để chế biến”, Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu PVN khẩn trương đầu tư xây dựng dự án tại Khu công nghiệp Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có hạng mục đầu tư nhà máy lọc hoá dầu thứ 3 tại Việt Nam), để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu trong nước. Giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức cao, trên 100 USD một thùng. Việt Nam đang xuất khẩu phần lớn dầu thô, nhưng lại phải nhập khẩu chủng loại khác để chế biến. Hiện tổng công suất của cả hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất mới đáp ứng 70% nhu cầu thị trường trong nước. Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, trữ lượng dầu khí của Việt Nam khoảng 1,5 tỷ m3, đứng thứ 26 thế giới, nhưng sản lượng khai thác hiện chỉ đứng thứ 34. Tức là tốc độ hiện thực hoá tiềm năng dầu khí chưa cao. "Cần đưa được nguồn tài nguyên này vào phục vụ nền kinh tế, phải chế biến sản phẩm hiệu quả nhất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy